GẶP “BÔNG HỒNG THÉP”  MIỀN TÂY XỨ QUẢNG

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi lại có vinh dự được gặp gỡ và lắng nghe những câu chuyện về một thời binh nghiệp oai hùng của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt có biệt danh là “bông hồng thép” với ý chí quật cường, đầy mưu lược, dũng cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi càng ấn tượng hơn bởi ngày xưa chị Minh Nguyệt với “tay súng, tay đạn” bảo vệ quê hương chống giặc ngoại xâm, nay hòa bình lập lại, vẫn đôi bàn tay ấy đã “tay phím, tay chuột” góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho quê hương, đất nước.

Và Không chỉ “anh hùng” trong đạn lửa chiến tranh, chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt còn được biết đến như là một doanh nhân tiêu biểu trong thời kì đổi mới. Hiện nay, chị Minh Nguyệt đang sinh hoạt trong Hội Cựu Chiến binh phường Phước Ninh (Q. Hải Châu) và là Ủy viên Hội Doanh nhân TP. Đà Nẵng.

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt (số 50 Hoàng Văn Thụ, Q. Hải Châu,TP. Đà Nẵng) của nữ doanh nhân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua của TP. Đà Nẵng. Là văn phòng công chứng có tuổi đời lâu nhất tại khu vực Đà Nẵng nói riêng và miền Trung- Tây Nguyên nói chung, Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt ra đời với tâm thế phục vụ cộng đồng cùng tôn chỉ “Nhanh Chóng – Kịp thời – Chính xác – Đúng pháp luật” đã đóng góp nhiều thành tích xuất sắc cho ngành Tư pháp và phục vụ cho sự nghiệp phát triển chung của quê hương đất nước nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng.  

Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt (sinh năm 1952, quê xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho hay, khi  tuổi thiếu niên, cô Minh Nguyệt đã gia nhập vào đội quân du kích xã Sơn Thọ thường xuyên bám đánh địch tại Trung Phước (xã Sơn Khương). Đến tháng 4-1965, cô được động viên tham gia làm công tác giao liên mật với tinh thần cảnh giác và ý thức cách mạng của nữ du kích Minh Nguyệt được tôi luyện dần theo những chuyến giao liên thành công từ căn cứ Cách mạng đến TP. Đà Nẵng và các khu vực lân cận nhưng cũng đầy hiểm nguy, bất trắc.

Thời gian sau, do nhu cầu hoạt động cách mạng của địa phương, chị Minh Nguyệt được  giữ chức Xã đội phó tác chiến của du kích xã Sơn Thọ (nay là xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Giữ trọng trách lớn ở tuổi 14, chị Minh Nguyệt tích cực tham gia công tác huấn luyện cho lực lượng du kích xã, cùng anh em tăng gia sản xuất; vận động bà con đào giao thông hào, địa đạo, công sự chiến đấu…; đồng thời giúp dân bám trụ, xây dựng cơ sở cách mạng…

Tháng 2-1966, Mỹ-ngụy liên tục cho máy bay oanh tạc xuống hai xã Sơn Phúc và Sơn Thọ nhằm biến nơi đây thành vành đai trắng, chị Minh Nguyệt nhiều lần được giao nhiệm vụ chỉ huy, phối hợp với các lực lượng tổ chức bám sát địch; phục kích, đón đầu, tấn công, chiếm lĩnh trận địa, tiêu diệt nhiều lính Mỹ, khiến bọn Mỹ hoang mang, nao núng. Tháng 4-1967, để thống nhất chỉ đạo kháng chiến, Huyện ủy Quế Sơn chủ trương sáp nhập hai xã Sơn Phúc, Sơn Thọ thành xã Sơn Viên; chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt được vinh dự phân công giữ chức vụ Xã đội phó xã Sơn Viên, phụ trách tác chiến.

Với cương vị quan trọng và đầy thử thách, người nữ du kích Minh Nguyệt đã tổ chức, phối hợp cùng với các đơn vị bộ đội trên trận tuyến đánh Mỹ-ngụy mang lại nhiều chiến công vang dội. Cụ thể như trận  vào tháng 5/1967 tại vùng Tây Quế Sơn. Được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5, lực lượng du kích xã Sơn Viên do Minh Nguyệt trực tiếp chỉ huy liên tục bám địch quần thảo, tổ chức bắn tỉa và phối hợp tiêu diệt gần 200 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng… buộc chúng phải rút lui…

Còn nhớ trận đánh vào tháng 3-1968 không kém phần ác liệt. địch cho máy bay quần thảo, ném bom gần 2 tiếng đồng hồ rồi đưa quân đổ bộ xuống hầm Vung-núi Chúa (ngay khu vực đội du kích đặt khối nổ). Địch vừa đổ quân, lập tức các khối nổ (do du khích tự chế từ đạn ca nông 105 li của Mỹ -ngụy bị lép) đồng loạt nổ tung, xóa sổ 1 máy bay “lên thẳng” và gần một trung đội biệt kích Mỹ. Từ đó trở đi, bọn Mỹ-ngụy không dám bén mảng, đặt chân đến núi khu vực Chúa.

Cuối năm 1971, do vết thương cũ tái phát cộng với căn bệnh sốt rét rừng hành hạ làm sức khỏe giảm sút, chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt được tổ chức bố trí ra Bắc để điều trị. Trong thời gian nầy, cô vừa chữa trị, vừa miệt mài học hỏi văn hóa, trau dồi kiến thức với ước mong sau này, khi đất nước hòa bình, thống nhất, được trở về phục vụ, xây dựng quê hương. 

Năm 1975, quê hương được giải phóng, chị Minh Nguyệt được đưa về Trại thương binh Đò Xu (Đà Nẵng). Với những nỗ lực học tập không mệt mỏi, đến tháng 5-1977, cô được điều động về công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau đó, chị tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội rồi trở về công tác tại Viện KSND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ năm 1994 đến đầu năm 1997, chị giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ tháng 3-1997, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia tách, cô là Quận ủy viên Quận ủy Hải Châu, giữ chức Viện trưởng Viện KSND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. 

Năm 2008, chị Minh Nguyệt nghỉ hưu, với tâm niệm còn sức còn cống hiến, nữ thương binh hạng 3/4 Nguyễn Vũ Minh Nguyệt tiếp tục nghiên cứu, xin phép cơ quan có thẩm quyền thành lập Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt. Đây là mô hình văn phòng công chứng tư đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng. Trải qua 16 năm hoạt động, văn phòng công chứng do cô thành lập đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, là địa chỉ công chứng được cộng đồng doanh nghiệp và người dân tin cậy.

Để khích lệ cho “người nữ du kích oanh liệt năm xưa”, vào ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước đã kí các quyết định 621, 622, 623 phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cá nhân chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đã được phong tặng danh hiệu đầy cao quý và tự hào: “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” và có lẽ đó là một trong những dấu son rực rỡ nhất của “Bông hồng thép Minh Nguyệt”.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đã được vinh danh với nhiều giải thưởng cao quý như: “Doanh nhân văn hóa thời đại Hồ Chí Minh”, “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” cùng rất nhiều những danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, nhiều năm qua, cô rất hăng hái, nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện như tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí, trao hàng nghìn suất quà trị giá gần một tỉ đồng ủng hộ nhân dân vùng bão, lũ, người nghèo khó, mang mùa xuân ấm đến với đồng bào vùng cao… trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố miền Trung. 

Và 3 năm nay, chị Minh Nguyệt nuôi và hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó; ủng hộ trẻ mồ côi khuyết tật ở Đà Nẵng; chi tiền lắp gương lồi trên đường giao thông miền núi Quế Sơn, tặng quà Tết cho người nghèo phường Phước Ninh, quận Hải Châu… Và vừa qua, trong chương trình “Trái tim đồng đội”, chị Minh Nguyệt đã dành tặng 200 triệu đồng để trang trí, sửa sang Nghĩa trang liệt sĩ xã Sơn Viên, nơi có gần 800 liệt sĩ, đồng đội của chị đã vĩnh viễn nằm lại trong sự nghiệp giải phóng quê hương… 

Trải qua những năm tháng đầy sóng gió của kháng chiến chống Mỹ, dấu vết của cuộc chiến oai hùng vẫn còn rõ nét trên cơ thể chị, những vết thương như những dấu tích đáng kính của sự hy sinh và quyết tâm bất khuất. Chiến tranh có lẽ đã rời xa, nhưng tâm hồn chị vẫn gắn bó với những kỷ niệm và trách nhiệm với đồng đội, những người đã cùng chị vượt qua bao gian khổ và hiểm nguy.

Mỗi khi tháng 7 về, nơi chị sinh ra và cũng là thời điểm đánh dấu sự tri ân của chị đối với đồng đội đã khuất. Chị lặng lẽ đến bên dãy mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Sơn Viên (huyện Quế Sơn), nơi chứa đựng hàng trăm kí ức và hy sinh của những người đồng đội. Cảm xúc bồi hồi, những giọt nước mắt rơi thầm lặng bên những tấm bia ghi tên của những người bạn cùng từng bước chân trên con đường hiểm nguy của chiến trường xưa.

Chị không quên những nghĩa cử cao đẹp, những hành động ý nghĩa để ghi nhận công lao của đồng đội. Đặt bình hoa, thay hoa cho gần 800 ngôi mộ không chỉ là biểu hiện của sự kính trọng, mà còn là dấu hiệu của tình cảm và sự hy sinh từ những thu nhập hưu trí nhỏ nhoi.

Ngoài ra, chị cũng thường xuyên gởi những món quà ý nghĩa đến các đồng đội trong những buổi họp mặt cựu du kích. Tình cảm của chị không chỉ dừng lại ở việc tưởng nhớ và tri ân, mà còn là sự chia sẻ và động viên trong những lúc khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Đó là cách chị tôn vinh những gì mà họ đã cống hiến và làm nên trong quãng đời chiến sĩ, từng bước chân trên con đường hy sinh cho đất nước.

Không những thế chị Minh Nguyệt cùng với đơn vị còn đóng góp rất nhiều vào công cuộc chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 với những đóng góp vô cùng lớn. 

Vừa gặp lại chị trong một đám cưới của người bà con gần đây, chị Minh Nguyệt cho hay, vào ngày 21-22/4/2023, tôi cùng với anh chị em một thời hoa lửa, bao gồm các chị Hồ Thị Thắng, Hồ Thị Bích Hường, chị Nguyễn Thị Hồng Nhị và một số  Nữ CCB và  doanh nhân CCB đã tham gia vào một chuyến thăm lại các chiến trường xưa, nơi từng là căn cứ của cách mạng và một số di tích lịch sử khác trên huyện Nam Trà My. Chúng tôi cũng đã tặng quà cho các đơn vị và trường học gặp khó khăn, bao gồm máy lọc nước, quần áo cho các em nhỏ.

“Trong chuyến đi nói trên, đoàn chúng tôi đã ghé thăm Nhà lưu niệm của cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Tiên Phước. Tại đây, chúng tôi rất băn khoăn khi nhận thấy không có nhà vệ sinh và nguồn nước cho sinh hoạt. Chị Hồ Thị Thắng đã đề xuất mọi người trong đoàn cùng góp tiền để xây dựng công trình này. Với sự hưởng ứng nhiệt tình của chị Thắng, chị Hường, chị Lành và các anh chị em CCB và các anh chị em khác, trong một ngày đã quyên góp được số tiền trên 50 triệu đồng. Trong đó, chị Hồ Thị Thắng và chị Nguyễn Thị Lành đã góp nhiều nhất với số tiền hàng chục triệu đồng. Chị Hường đã là người kết nối và liên hệ với địa phương. Đến nay, công trình vệ sinh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhờ vào sự nhiệt tình và sự đóng góp của chị Thắng, chị Hường, chị Lành và các anh chị em khác…”- Chị Minh Nguyệt tâm sự.

Chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt thực sự là một biểu tượng của sự hy sinh và kiên định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó, việc chị vươn lên sau chiến tranh để trở thành một doanh nhân thành công cũng là một điều đáng ngưỡng mộ. Sự đóng góp của “Bông hồng thép” còn mở ra một hướng đi mới góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước Việt Nam ta./.

 

                                                                                                 Hòa Vang

 

Kèm ảnh: Ảnh Tiên Sa và NVCC

.

– (1).JPG: Chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đang làm việc tại Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt

– (2).JPG: Ít ai ngờ người phụ nữ xinh đẹp nầy là “bông hồng thép”, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

 

– (3).JPG: Chị Minh Nguyệt (thứ 2 từ bìa trái qua) nhân một đám cưới của người bà con.. 

– (4).JPG: Đoàn Nữ CCB và doanh nhân CCB chụp với  Bộ chỉ  huy quân sự huyện Nam Trà My (Quảng Nam)

 

– (5).JPG: Chị Minh Nguyệt (bìa trái) nhân một chuyến đi về Nam Trà Mi.

– (6).JPG: Đoàn trao quà cho các cháu trường mẫu giáo xã Trà Mai, huyện Nam Trà My

– (7).JPG: Chị Hồ Thị Thắng trao tiền cho cháu bị ung thư.

– (8).JPG:  Đoàn Nữ CCB và doanh nhân CCB ghé thăm Nhà lưu niệm của cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Tiên Phước (Quảng Nam)

– (9).JPG: Đoàn Nữ CCB và doanh nhân CCB ghé thăm Nhà lưu niệm của cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Tiên Phước.

– (10).JPG: Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt có biệt danh là “bông hồng thép”.

– (11).JPG: Núi Chúa (chiến trường xưa) thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam).

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TIẾNG KÊU CỨU TRONG KHẢN ĐẶC CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ XIN HÃY CỨU LẤY CON TÔI.

        Gia đình chị Phan Thị Thanh Tài sinh năm 1997, cùng Chồng là Anh Lâm Văn Hải sinh năm 1996 trú tại Thôn Túy …

18-05-2024

Trung tâm CEDC TPHCM tạo động lực giúp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Trà My tiếp tục đến trường

Với sự hỗ trợ 20 chiếc xe đạp của Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông (CEDC), 20 học sinh là con em đồng bào Ca …

04-05-2024

Thủ tướng kiểm tra hiện trường, đốc thúc nhiều dự án cao tốc trọng điểm

(ĐCSVN) – Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lấy mốc 30/4/2025 cơ bản hoàn thành dự án để điều chỉnh rút ngắn tiến độ; tiếp tục phát …

30-04-2024

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng làm việc với các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Suối Dầu

Ngày 19-4, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cùng đoàn công tác khảo sát và làm việc về tình hình sản …

21-04-2024

Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng

Sáng 18-4 (nhằm ngày 10-3 Âm lịch), tại di tích Đền Hùng Vương (số 173 Ngô Gia Tự, TP.Nha Trang), diễn ra lễ dâng hương tưởng nhớ các …

20-04-2024

Hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao

(ĐCSVN) – Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ đã được các cấp Hội triển khai thành công …

19-03-2024