Kế hoạch này không chỉ của riêng Đà Nẵng mà theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài 80% nội dung thống nhất trong cả nước sẽ có 20% giáo dục địa phương để học sinh tìm hiểu về vùng đất nơi mình đang sinh sống. Dựa vào quy định này, các tỉnh, thành phố biên soạn tài liệu đặc trưng của địa phương để giảng dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Yêu quê hương ngay từ trang sách đầu đời
Các em học sinh vùng cao Sơn La được tiếp cận với nhiều loại sách báo bổ ích thông qua xe thư viện lưu động. Ảnh:TTXVN

Tài liệu giáo dục về địa phương không còn là điều mới khi được triển khai từ năm 2006, nhưng nội dung chưa quy định cụ thể khiến việc thực hiện chỉ mang tính hình thức, không hiệu quả. Do đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đã đưa người học tiếp cận nội dung học ở vị trí mới, quan trọng như sách giáo khoa. Học sinh học các kiến thức về địa phương với tổng thời lượng 35 tiết/lớp/năm học, có sự phát triển theo vòng xoáy đồng tâm giữa các cấp học, thuộc 7 lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp.

Như vậy, học sinh lớp 1 ở Vĩnh Phúc sẽ được học về lễ hội kéo song; học sinh ở Hà Giang sẽ được tìm hiểu kỹ hơn về cao nguyên đá Đồng Văn khi học lịch sử, địa lý; học sinh ở Bắc Ninh khi học về lễ hội, làng nghề sẽ có những lớp học ngoại khóa về dân ca quan họ; còn học sinh ở TP Hồ Chí Minh tìm hiểu ẩm thực, di tích văn hóa theo đặc trưng của 24 quận/huyện… Việc kết hợp giữa học lý thuyết, thực hiện bài tập, các hoạt động tham quan trải nghiệm, học qua dự án góp phần giúp các em hiểu hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc hay những ngành nghề đặc trưng, những ưu thế và thậm chí cả những khó khăn của quê hương mình.

Hiểu biết về quê hương, yêu quê hương, tự hào hơn về nơi mình sinh ra và lớn lên ngay từ trang sách đầu đời sẽ góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh, hướng tới bảo tồn những giá trị văn hóa, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề cụ thể trong cuộc sống tại mỗi địa phương; đồng thời giải bài toán thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao tại những khu vực chậm phát triển.

Tình yêu quê hương thấm đượm trong từng học sinh, các em lớn lên luôn trân quý và khát khao đóng góp trí tuệ để phát triển vùng đất nơi mình được sinh ra và trưởng thành. Đó là mục tiêu để những nhà biên soạn bộ sách nghiên cứu và xây dựng nội dung môn học một cách kỹ lưỡng, phù hợp với trách nhiệm cao nhất. Gần gũi với các em nhất, những giáo viên đứng lớp-người thổi hồn vào mỗi bài giảng cần trang bị thêm các kiến thức địa phương, giúp các em hiểu rõ nét đặc sắc; những cơ hội và thách thức của mỗi vùng đất. Có như vậy, các em càng thêm yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.

THÁI AN/QĐND