Sử dụng hiệu quả phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay

Th.S PHAN THỊ HỒNG

Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa

Giáo dục lý luận chính trị có vai trò quan trọng đối với Đảng và hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhằm trang bị đầy đủ, toàn diện những tri thức lý luận chính trị, giúp cán bộ, đảng viên giữ vững bản lĩnh chính trị; củng cố, tăng cường niềm tin vào tương lai của dân tộc, của cách mạng, lý tưởng cộng sản; là cơ sở để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để một bài giảng lý luận chính trị hiệu quả cần kết hợp nhiều yếu tố trong đó, sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực là một yếu tố quan trọng. Trên cơ sở khái quát thực trạng công tác giáo dục lý luận chính trị tại các trường chính trị, bài viết trình bày một số lưu ý trong sử dụng một số phương pháp dạy học tích cực nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn chú trọng công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đánh giá những thành tựu đạt được trong sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên.”[1] Tuy nhiên Đại hội cũng chỉ ra một số hạn chế, đó là “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”[2]. “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”[3].

Để góp phần khắc phục những hạn chế trong giáo dục lý luận chính trị thì việc sử dụng tốt, phù hợp và tăng cường đổi mới các phương pháp giảng dạy tích cực để không ngừng phát huy tính tích cực, chủ động học tập từ học viên là đòi hỏi tất yếu, khách quan.

Phương pháp dạy học tích cực là cách thức dạy học theo lối phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, coi trọng việc nâng cao khả năng cho người học; nêu tình huống, kích thích hứng thú, suy nghĩ và phân xử các ý kiến đối lập của người học, từ đó hệ thống hóa các vấn đề, tổng kết bài giảng, khắc sâu những tri thức cần nắm vững. Như vậy, khi giảng dạy và học tập với phương pháp dạy học tích cực, người học tham gia tích cực và chủ động vào quá trình học còn giảng viên là người dẫn dắt và hướng dẫn, điều chỉnh để người học giải quyết vấn đề đúng hướng. Các phương pháp dạy học tích cực thường được sử dụng trong giảng dạy lý luận chính trị gồm: Phương pháp dạy học thuyết trình, phương pháp hỏi – đáp, phương pháp chuyên gia, phương pháp nêu tình huống…

Nhận thức tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị, đồng thời để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường, thời gian qua, Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới và sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục lý luận chính trị. Nhà trường đã duy trì thường xuyên và tích cực đổi mới các hình thức sinh hoạt chuyên môn, lồng ghép sinh hoạt chi bộ với sinh hoạt chuyên đề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc dạy và học, sau các giờ của giảng viên, phòng đào tạo đã phát phiếu đánh giá chất lượng buổi giảng cho học viên. Đặc biệt, để đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, Nhà trường đã chủ động mời chuyên gia bồi dưỡng kỹ năng xây dựng hệ thống học liệu tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận và sử dụng các phương tiện, phương pháp hiện đại, kịp thời thích ứng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ… Đến nay, Nhà trường có 30 giảng viên, trong đó có 29 thạc sĩ, 1 cử nhân, 7 giảng viên chính; 21/30 giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 27/30 giảng viên đã hoàn thành xong chương trình bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hầu hết, giảng viên của Nhà trường đều đã sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, đặc biệt các phương pháp thảo luận nhóm, chuyên gia, tình huống được áp dụng phổ biến và hiệu quả. Nhờ đó, đã giảm đáng kể thời lượng thuyết trình trên lớp, tạo sự kích thích, tò mò và chủ động khám phá từ học viên. Ngoài ra, nhiều giảng viên đã sáng tạo và lồng ghép các trò chơi: ô chữ, đoán hình, câu hỏi trắc nghiệm hay các video, các đoạn phim tư liệu,…trong bài giảng để không ngừng làm sinh động, hấp dẫn đối với bài học. Qua đó, chất lượng giảng dạy của Nhà trường từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, việc đổi mới phương pháp giảng dạy chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số giảng viên vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống – phương pháp thuyết trình – nặng về truyền thụ một chiều, ít phát huy tính chủ động, tích cực từ học viên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy còn yếu; thậm chí có một số giảng viên vẫn dùng bảng phấn truyền thống mà không sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại. Trong khi đó, một thực tế, việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực ở trường chính trị gặp nhiều khó khăn do khối lượng kiến thức lý luận chính trị lớn mà thời lượng giảng hạn chế. Đối tượng học viên là cán bộ ở cơ sở, đa số vừa học vừa làm, ít có thời gian nghiên cứu trước tài liệu nên có phần bị động trong quá trình tham gia các hoạt động từ phương pháp dạy học tích cực. Trong khi đó, trang thiết bị phục vụ cho áp dụng phương pháp dạy học tích cực chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Số học viên trong một lớp đông cũng là trở ngại cho việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực.

Từ thực tiễn công tác, để sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực tại các trường Chính trị nói chung và trường chính trị tỉnh Khánh Hòa nói riêng, khi sử dụng các phương pháp cần lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, sử dụng phương pháp thuyết trình hiệu quả là phương pháp chủ đạo.

Với đặc thù các môn lý luận chính trị thì lựa chọn tối ưu để truyền tải hiệu quả tri thức vẫn là phương pháp thuyết trình. Để phương pháp này đạt hiệu quả cao cần lưu ý một số nội dung sau:

Một là, giảng viên phải nghiên cứu về đối tượng người học. Trước khi lên lớp phải trả lời câu hỏi ”dạy cho ai?”, giảng viên phải nắm bắt sơ lược thông tin về tên, tuổi, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, địa vị và đơn vị công tác của học viên để khi trình bày vấn đề, thể hiện phong cách sư phạm, lấy dẫn chứng, ví dụ… cho phù hợp với từng đối tượng, đồng thời để bước đầu tạo bầu không khí tâm lý lớp học cởi mở, sôi nổi.

Hai là, giảng viên cần nắm vững kiến thức bài giảng. Để bản thân tự tin thuyết trình, xử lý tốt các tình huống xảy ra trong quá trình lên lớp thì nhất thiết giảng viên phải nghiên cứu thật kĩ nội dung, làm chủ kiến thức trong bài giảng. Muốn học viên hiểu vấn đề trước hết người giảng viên phải hiểu cặn kẽ, chính xác vấn đề. Vì thế, giảng viên cần chuẩn bị kỹ giáo án và cần lựa chọn những vấn đề có khả năng thuyết trình mà học viên cảm thấy hấp dẫn, phù hợp với trình độ nhận thức, thực tiễn của người học.

Ba là, khi trình bày, giảng viên cần chú ý đến ngôn ngữ thể hiện (bao gồm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể). Trước khi nói hay thì trước hết giảng viên cần nói đúng, chính xác, rõ ràng mạch lạc, súc tích, dễ hiểu, tránh sử dụng ngôn ngữ quá cầu kỳ, phức tạp. Âm lượng sử dụng vừa phải, tránh nói quá to hoặc quá nhỏ để tất cả học viên đều có thể nghe được. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cơ thể cũng có tác động rất mạnh mẽ đến người nghe. Để thuyết phục người nghe ngoài giọng nói thì ánh mắt cử chỉ của người giảng viên cũng đóng vai trò rất lớn. Giảng viên phải nhìn bao quát lớp, có thể dừng lại ở một ánh mắt nào đó tin tưởng và thuyết trình tránh nhìn lên trần nhà hoặc nhìn xuống hoặc ánh mắt vô hồn. Khi thuyết trình giảng viên cần di chuyển vị trí thường xuyên trong lớp để tạo ra sự gắn kết với học viên.

Bốn là, luôn luôn làm chủ cảm xúc và biết điều chỉnh cảm xúc của mình theo những tình huống sư phạm, điều này tạo nên sự cân bằng tâm lí, không rơi vào sự sa đà, tản mạn kiến thức trong quá trình giảng bài. Thời gian thuyết trình không quá 50% tổng số thời gian của buổi giảng, mỗi lần thuyết trình không quá 20 phút. Cùng với thuyết trình cần thiết phải kết hợp, lồng ghép các phương pháp khác để tăng hiệu quả thuyết trình.

Thứ hai, phương pháp trực quan hóa

Phương pháp trực quan hóa là việc sử dụng các phương tiện trực quan như bảng phấn, bút dạ, giấy A0, bảng ghim, bảng lật, giáo án điện tử, biểu đồ, lược đồ, tranh ảnh,…nhằm tăng tính hiệu quả trong quá trình giảng dạy. Khi sử dụng phương pháp này cần lưu ý: Phải căn cứ vào mục tiêu, nội dung của bài giảng để lựa chọn đồ dùng trực quan tương ứng thích hợp. Vì vậy, cần xây dựng một hệ thống đồ dùng trực quan phong phú, phù hợp với từng nội dung trong bài giảng. Ví dụ, đối với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài việc sử dụng bảng phấn để minh họa, thì việc sử dụng phần mềm trình chiếu powepoir để lồng ghép hình ảnh, video tư liệu lịch sử, biểu đồ các trận đánh lịch sử,…vào bài giảng sẽ tái hiện lại quá khứ một cách sinh động, tăng hiệu quả thuyết trình, kích thích tính tò mò, chủ động tích cực của học viên.

Tuy nhiên, cần nắm chắc nội dung các slide trên cơ sở làm chủ kiến thức để lời nói phù hợp với nội dung minh họa. Chữ thể hiện trên các slide phải to, rõ ràng kết hợp với hình ảnh đủ lớn để ai cũng có thể nhìn thấy được. Nội dung thể hiện phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Trong khi giảng cần xác định đúng thời điểm sử dụng đồ dùng trực quan. Cần chuẩn bị câu hỏi hoặc hệ thống câu hỏi dẫn dắt học viên quan sát và tự khai thác kiến thức.

Thứ ba, phương pháp Hỏi- đáp

Cùng với trực quan hóa, phương pháp hỏi- đáp là phương pháp hữu hiệu để tạo nên thành công của bài giảng lý luận chính trị. Ưu thế của phương pháp này là qua hỏi – đáp, học viên có cơ hội trình bày quan điểm của mình để cùng trao đổi, thảo luận với các học viên khác hay với chính giảng viên về một vấn đề, qua đó giảng viên có thể đánh giá được kiến thức và năng lực của học viên để tìm ra được phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả. Khi sử dụng phương pháp này cần lưu ý:

Câu hỏi có tính mở, rõ ràng, ngắn gọn và được hiển thị trên bảng.

Khi chuẩn bị giáo án bài giảng, giảng viên nên chuẩn bị nội dung các câu hỏi hoặc các vấn đề đưa ra thảo luận trên lớp, đồng thời dự kiến các phương án trả lời của học viên cũng như nội dung giải đáp của mình trong trường hợp học viên không trả lời được. Câu hỏi phải phù hợp với nội dung bài giảng, đối tượng học viên và dành thời gian thích hợp để học viên suy nghĩ và trả lời

Khi học viên trả lời câu hỏi hoặc thảo luận vấn đề, giảng viên phải khéo léo ứng xử khi có học viên trả lời sai, hoặc học viên không trả lời được mà không làm cho học cảm thấy e ngại, tự ti; đồng thời động viên, khuyến khích sự tham gia tích cực hơn nữa của các học viên khác.

Sự tham gia giữa các học viên trong lớp vào bài giảng sẽ không đều nhau, bên cạnh một số học viên tích cực vẫn còn học viên trông chờ, ỷ lại, thụ động không muốn trả lời câu hỏi. Để khắc phục tình trạng này thì giảng viên khuyến khích, động viên sự tham gia của những học viên này bằng cách đặt ra những câu hỏi cụ thể hoặc đưa ra gợi ý và chỉ định đích danh những học viên đó trả lời.

Trong quá trình hỏi – đáp, một tình huống rất dễ xảy ra là do học viên quá sôi nổi khi thảo luận về một vấn đề nào đó mang tính đối nghịch, những vấn đề có tính chất nhạy cảm đang được dư luận quan tâm. Nếu giảng viên không kiểm soát và quản lý tốt lớp học sẽ dẫn đến tình trạng lớp học ồn ào, hỗn loạn, dễ dẫn đến tranh luận thành tranh cãi. Vì thế, giảng viên không chỉ kiểm soát về không khí lớp học (sôi nổi hay trầm lặng), mà giảng viên còn phải kiểm soát cả về nội dung cuộc trao đổi, thảo luận, tránh không để dẫn tới tình trạng sa đà, lệch hướng với nội dung bài giảng và định hướng vấn đề cần trao đổi.

Thứ tư, phương pháp chuyên gia

Phương pháp chuyên gia là cách thức mở rộng hoặc cung cấp những tri thức chuyên sâu cho người học về một lĩnh vực cụ thể mà giáo trình hoặc tài liệu hướng dẫn học tập chưa đề cập đến thông qua giải đáp của người có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực đó, hay còn gọi là chuyên gia.

Đối tượng của giáo dục lý luận chính trị (riêng đối với hệ trung cấp lý luận chính trị) là cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở; Cán bộ đương chức, dự nguồn trưởng, phó phòng, ban cấp huyện và tương đương; Trưởng, phó phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương. Như vậy, học viên chính là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở địa phương.Với đối tượng đặc thù này thì việc sử dụng phương pháp chuyên gia sẽ rất hiệu quả nhằm khai thác tối ưu thế mạnh cũng như không ngừng phát huy tính tích cực chủ động của học viên. Ví dụ, khi dạy chuyên đề “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” nếu sử dụng phương pháp chuyên gia, phát huy vai trò của học viên là cán bộ chuyên trách làm công tác Mặt trận hoặc những người đã từng làm công tác Mặt trận thì hiệu quả giảng dạy sẽ rất cao, rất thuyết phục. Học viên sẽ rất dễ hình dung những công việc thực tiễn của tổ chức Mặt trận.

Để sử dụng tốt phương pháp này, giảng viên cần xác định đối tượng nào là chuyên gia trong các vấn đề liên quan đến bài giảng của mình. Do đó, cũng như phương pháp thuyết trình, trước khi lên lớp, giảng viên cần nghiên cứu kỹ đối tượng người học. Đồng thời trong quá trình tiếp xúc, làm việc trực tiếp với học viên trên lớp, giảng viên cũng có thể thông qua liên kết các sự kiện, các nhân vật ở các địa phương cụ thể trong bài giảng để trao đổi, thảo luận với học viên đang làm việc hoặc sinh sống tại địa phương đó.

Thứ năm, phương pháp thảo luận nhóm

Thảo luận nhóm cũng là phương pháp hiệu quả trong giảng dạy lý luận chính trị. Tuy nhiên, đối với lớp Trung cấp lý luận chính trị với số lượng học viên đông (60 -70 học viên) việc sắp xếp bàn ghế để thảo luận sẽ hơi mất thời gian. Đối tượng học viên lớn tuổi, sự tương tác nhóm có nhiều hạn chế. Để sử dụng phương pháp này hiệu quả thì cần lưu ý: Một là, giảng viên nên đưa nội dung thảo luận trước giờ lên lớp (1 ngày) để học viên có thời gian tìm hiểu sâu hơn về vấn đề nghiên cứu. Hai là, giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng tổ và yêu cầu tổ trưởng chia nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên. Ba là, khuyến khích thảo luận qua zalo. Thay vì phải sắp xếp bàn để thảo luận thì học viên có thể ngồi nguyên vị trí và tương tác với nhau qua zalo. Bốn là, giảng viên cần tăng cường sự hướng dẫn, và giám sát quá trình thảo luận của học viên. Với giám sát, giảng viên có thể đưa ra nội quy thảo luận là yêu cầu bất kỳ một thành viên nào trong nhóm đại diện thuyết minh nội dung thảo luận của nhóm. Điều này sẽ tránh được việc học viên ỷ lại nhóm trưởng và không chịu tương tác.

Ngoài các phương pháp trên để phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong giảng dạy lý luận chính trị có thể sử dụng kết hợp, lồng ghép thêm một số phương pháp: phỏng vấn nhanh, thảo luận nhóm, nêu ý kiến ghi bảng, sàng lọc,… Tuy nhiên, khi kết hợp các phương pháp cũng cần linh hoạt. Ví dụ, do các lớp Trung cấp lý luận chính trị ở các trường chính trị đều có số lượng học viên đông nên giảng viên phải căn cứ vào số lượng học viên, cách bố trí sơ đồ lớp để vừa sử dụng vấn đáp, kết hợp phỏng vấn nhanh và thảo luận nhóm,…làm sao tất cả học viên có thể tham gia. Tránh cứng nhắc sử dụng một vài phương pháp trong cả quá trình giảng sẽ gây nhàm chán cho học viên.

Kết luận

Như vậy, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cần nhiều yếu tố chi phối, trong đó, sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực là một yếu tố quan trọng. Trong quá trình đó, người giảng viên với tư cách là “người cầm lái” phải thực sự làm chủ về kiến thức, thực sự trau dồi về chuyên môn để “neo chốt” vấn đề, xâu chuỗi vấn đề, liên hệ thực tiễn, và hơn hết bằng nhiệt huyết và lòng đam mê nghề nghiệp không ngừng truyền lửa cho học viên./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, Hà Nội.
  2. Nguyễn Lăng Bình, Đỗ Hương Trà (2022), Dạy và học tích cực một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nxb. Đại học sư phạm

Chú thích hình: Hình 1. Giảng viên đang sử dụng phương pháp thảo luận nhóm

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.170

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.172

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.172

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nổi bật
Liên hệ
NHA TRANG: TRƯỜNG MẦM NON VĨNH HÒA KHAI  GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2024-2025

NHA TRANG: TRƯỜNG MẦM NON VĨNH HÒA KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2024-2025

Sáng ngày 05/09/2024, hòa cùng không khí tưng bừng của ngày khai giảng trên khắp cả nước, Trường Mầm Non Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang) đã tổ chức …

05-09-2024

Nổi bật
Liên hệ
Hơn 290.000 học sinh bước vào năm học mới

Hơn 290.000 học sinh bước vào năm học mới

Hôm nay (5-9), cùng với hàng triệu học sinh trên cả nước, hơn 290.000 học sinh và hơn 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong …

Nổi bật
Liên hệ
Thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ Việt Nam – Nhật Bản

Thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ Việt Nam – Nhật Bản

(ĐCSVN) – Ngày 29/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, …

30-04-2024

Nổi bật
Liên hệ
Tổng Bí thư Trần Phú và những chỉ dẫn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tổng Bí thư Trần Phú và những chỉ dẫn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

(ĐCSVN) – Trọn cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và chói sáng, đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã có …