Nha Trang: Trường, lớp đang… quá tải
Vài năm trở lại đây, dân số tăng nhanh đã khiến nhiều trường học trên địa bàn TP. Nha Trang luôn trong tình trạng quá tải, thiếu phòng học, sĩ số/lớp đông. Nhiều địa phương, nhất là một số xã, phường như: Phước Long, Phước Đồng, Vĩnh Ngọc… đang khó khăn tìm lời giải cho bài toán đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, nhất là cấp tiểu học.
Trường đông, lớp chật
Năm học này, Trường Tiểu học Phước Đồng có 1.853 học sinh, đông nhất trong toàn thành phố. Tại đây, lớp có sĩ số thấp nhất đã tới 43 em, còn lớp đông nhất là 52 em, trong khi quy định là 35 học sinh/lớp theo điều lệ trường tiểu học. Ở những lớp này, dãy bàn đầu phải kê gần ngay tấm bảng giáo viên, những dãy sau cũng san sát nhau, lối đi lại chật hẹp. Cứ đến giờ ra chơi, học sinh lại ùa ra đông như hội. Chưa tính 2 điểm phụ, riêng điểm chính đã có tới 33 lớp với hơn 1.500 học sinh. Tổng số lớp toàn trường là 43, vượt xa so với quy định tối đa 30 lớp/trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do chỉ có 40 phòng học nên trường phải sử dụng cả phòng âm nhạc, mỹ thuật, phòng hội đồng sư phạm làm phòng học để đảm bảo cho 100% học sinh được học 2 buổi/ngày.
Học sinh khối lớp 5 của Trường Tiểu học Phước Long 2 đang phải học nhờ phòng học của Trường THPT Phạm Văn Đồng. |
Cô Lê Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong khoảng 5 năm nay trở lại đây, trung bình mỗi năm trường tăng thêm 100 học sinh nên luôn trong tình trạng quá tải. Cách đây 2 năm, trường được xây thêm một dãy có 9 phòng học, nhưng đến giờ vẫn không đủ chỗ học. Học sinh tăng nên bàn ghế cũng thiếu, trường phải tận dụng nhiều bộ bàn ghế cũ. Đầu năm học 2023 – 2024, trường mượn được 15 bộ bàn ghế từ một trường THCS trong thành phố, sửa lại để bố trí vào các lớp. Trường đông, lớp chật, những vất vả trong việc giảng dạy và quản lý học sinh đối với cán bộ quản lý, giáo viên là điều khó tránh khỏi.
Phường Phước Long cũng là điểm “nóng” trong mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp. Nhiều năm nay, dù số học sinh liên tục tăng song cả phường chỉ có 2 trường tiểu học, mỗi trường có 30 lớp. Cô Huỳnh Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Long 2 cho biết: “Trường chỉ có 22 phòng, thiếu 8 phòng học. Dù khắc phục bằng việc sử dụng cả phòng đội, phòng y tế để bố trí chỗ học 2 buổi/ngày cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì trường vẫn còn thiếu 6 phòng. Vì vậy, trường phải mượn 6 phòng học của Trường THPT Phạm Văn Đồng (cùng trên địa bàn phường) để cho khối lớp 5 học vào buổi chiều. Ngồi bàn ghế của học sinh cấp 3, học tập trong khuôn viên cùng các anh chị lớn, không ít phụ huynh đã bày tỏ băn khoăn, lo lắng, bất tiện, nhưng hiện tại chưa có giải pháp nào khả thi hơn. Sang năm học 2024 – 2025, khi lớp 5 bắt buộc phải học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì chưa biết các em sẽ học ở đâu. Vì Trường THPT Phạm Văn Đồng đã sử dụng kín phòng trong buổi sáng, chỉ trống phòng vào buổi chiều”.
Ông Ngô Khắc Thinh – Chủ tịch UBND phường Phước Long cho biết, Phước Long là phường đông dân nhất trong thành phố. Những năm gần đây, trên địa bàn phường hình thành nhiều khu đô thị mới kéo theo dân số tăng nhanh. Ở độ tuổi mầm non, mỗi năm khoảng 400-500 trẻ được sinh ra, nhưng cả phường chỉ có 1 trường mầm non công lập, chỉ có thể tiếp nhận được khoảng 1/3 số trẻ đến trường; số còn lại sẽ học trong các trường, nhóm, lớp mầm non tư thục. Căng thẳng nhất là cấp tiểu học vì bắt buộc phải bố trí đủ chỗ học cho 100% học sinh, nhưng cả phường chỉ có 2 trường, mỗi trường có 30 lớp, kịch trần quy định. Cả 2 trường này, sĩ số đều dao động từ 37 đến 46 học sinh/lớp. Do áp lực số trẻ tăng cao, trung bình mỗi năm cứ đến mùa tuyển sinh lớp 1, thành phố phải điều chuyển khoảng 100 trẻ trên địa bàn phường Phước Long qua các trường tiểu học: Phước Hòa 2 (phường Phước Hòa), Phước Thịnh (xã Phước Đồng).
Cũng trong cảnh học nhờ, học tạm, Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc có 33 lớp nhưng chỉ bố trí được 20 phòng học cho 20 lớp, thiếu tới 13 phòng. Từ 4 năm nay, trường phải mượn 6 phòng của Trường THCS Cao Thắng và 7 phòng của Trường Mầm non Vĩnh Ngọc mới đủ chỗ cho gần 1.300 học sinh. Một số xã, phường khác có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều chung cư cao tầng như: Phước Hải, Ngọc Hiệp, Vĩnh Thạnh… cũng đã, đang và sẽ tiếp tục “nóng” về chuyện trường, lớp quá tải. Hầu hết trường tiểu học trên địa bàn thành phố đều có sĩ số rất đông như: Tiểu học Vĩnh Nguyên 1 từ 44 đến 48 học sinh/lớp; Tiểu học Vĩnh Hòa 1 từ 39 đến 44 học sinh/lớp; Tiểu học Phước Long 1 từ 36 đến 46 học sinh/lớp; Tiểu học Phước Hải 1 và Tiểu học Phước Hải 3 từ 40 đến 45 học sinh/lớp… Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường đã đạt chuẩn quốc gia luôn trong nỗi lo rớt chuẩn.
Nhu cầu trường, lớp ngày càng tăng
Hiện nay, TP. Nha Trang có 108 trường công lập, trong đó mầm non có 38 trường, tiểu học 40 trường, THCS 25 trường, THPT 5 trường. Ông Trần Nguyên Lập – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, thời gian qua, sự phát triển “nóng” của các khu đô thị mới kéo theo sự gia tăng dân số là nguyên nhân chính dẫn đến quá tải ở các trường vùng ven thành phố. Hiện nay, căng thẳng nhất là phường Phước Long, xã Phước Đồng và xã Vĩnh Ngọc. Phòng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị tới các cấp về vấn đề này. Để giải quyết tình thế trước mắt, vào các đợt tuyển sinh đầu cấp hàng năm, thành phố đều phải điều chuyển một số học sinh từ các xã, phường đông học sinh đến các xã, phường ít hơn. Các trường như: Tiểu học Phước Long 2, Tiểu học Vĩnh Ngọc phải mượn phòng học của một số trường khác, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời vì nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Bên cạnh đó, áp lực về trường, lớp trên địa bàn TP. Nha Trang còn do nguyên nhân không ít phụ huynh có tâm lý chọn trường cho con. Chưa kể vào các năm được xem là đẹp, số trẻ tăng đột biến. Riêng năm học này, TP. Nha Trang tăng 2.200 học sinh so với năm học 2022 – 2023, tập trung ở lớp 6 – lứa tuổi “rồng vàng”. Thành phố phải mở thêm 21 lớp 6, trong đó Trường THCS Mai Xuân Thưởng – trường đông nhất ở cấp THCS phải mở thêm tới 6 lớp 6 do tăng gần 200 học sinh.
Cần giải pháp căn cơ
Theo số liệu của UBND TP. Nha Trang, so với năm 2018, hiện nay, toàn thành phố tăng thêm 53 lớp, 2.940 học sinh và 224 giáo viên. Dự báo đến năm 2025, cấp mầm non cần xây mới thêm 173 phòng (ngoài công lập), cấp tiểu học xây mới thêm 78 phòng, THCS xây mới thêm 19 phòng. Đến năm 2030, dự kiến cần xây thêm 39 phòng học cho cấp tiểu học. Ông Ngô Khắc Thinh cho biết: “Đến năm 2026, khi các dự án khu đô thị trên địa bàn phường hoàn thành, phường dự kiến sẽ tăng khoảng 7.500 hộ với khoảng 30.000 nhân khẩu so với năm 2022. Điều đó kéo theo nhu cầu về trường học cho trẻ là rất lớn”.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh – Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các xã, phường và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát quỹ đất, đề xuất cải tạo, sửa chữa, quy hoạch mới đất giáo dục theo nhu cầu phát triển cơ sở vật chất trường học, lớp học trên địa bàn. Qua rà soát, tại khu vực xã Phước Đồng có quy hoạch bố trí khoảng 11,82ha đất giáo dục cấp đơn vị ở; trong đó quỹ đất giáo dục quy hoạch mới khoảng 8,32ha. Hiện nay, khu vực xã Phước Đồng chưa thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; các khu đất giáo dục theo quy hoạch do các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý và nằm trong các khu vực dân cư hiện hữu. Thành phố đang rà soát lập điều chỉnh quy hoạch để kêu gọi dự án đầu tư đồng bộ theo quy hoạch. Tại phường Phước Long có quy hoạch khoảng 10,15ha đất giáo dục cấp đơn vị ở; trong đó quỹ đất giáo dục quy hoạch mới khoảng 9,7ha tập trung tại các khu đô thị mới phía Tây đường Lê Hồng Phong. Hiện nay, các dự án khu đô thị chưa đầu tư hoàn thiện và chưa bàn giao quỹ đất giáo dục cho địa phương thực hiện đầu tư mở rộng mạng lưới giáo dục. Do đó, thành phố đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các dự án sớm bàn giao quỹ đất giáo dục cho địa phương. Còn tại xã Vĩnh Ngọc, Dự án Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc 2 đang tiến hành thủ tục đầu tư, khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho địa phương…
Được biết, danh mục dự án đầu tư cho giáo dục thuộc Chương trình phát triển đô thị thành phố giai đoạn 2021 – 2025 có 18 dự án. Trong đó, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng các dự án: Mầm non Ngọc Hiệp (điểm Lư Cấm), THCS Yersin, Tiểu học Vĩnh Thạnh, THCS Nguyễn Viết Xuân, xây dựng mới Trường Mầm non Phước Long, Tiểu học Vĩnh Hải 2 (giai đoạn 2), Tiểu học Ngọc Hiệp, THCS Trưng Vương, THCS Cao Thắng. Hiện nay, thành phố đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản 4 dự án gồm: Tiểu học Vĩnh Ngọc 2, THCS Thái Nguyên, THCS Lý Thái Tổ (giai đoạn 2), Mầm non Vĩnh Phương (điểm thôn Tây).
Giáo dục đang từng bước hướng đến mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, khi các cấp, ngành chưa giải quyết được bài toán đáp ứng nhu cầu về trường, lớp ngày càng tăng thì ngành Giáo dục sẽ còn loay hoay với việc bố trí chỗ học, chưa nói đến những mục tiêu xa hơn…