LỄ HỘI ĐÌNH LÀNG DƯƠNG LÂM 2025: NƠI QUÁ KHỨ GIAO HÒA HIỆN TẠI

Mỗi dịp tháng Ba về, người dân làng Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng lại háo hức chờ đón lễ hội đình làng – một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh. Năm 2025, lễ hội không chỉ mang ý nghĩa truyền thống mà còn đánh dấu những cột mốc đặc biệt: kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng và 15 năm đình làng Dương Lâm được công nhận là Di tích văn hóa cấp thành phố.

Lễ hội Đình làng Dương Lâm diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng 3, thu hút đông đảo bà con gần xa trở về quê hương để cùng nhau ôn lại truyền thống, tưởng nhớ tổ tiên và thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, lễ hội vinh dự đón tiếp nhiều đại biểu đến tham dự và gửi tặng những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng, trong đó có đại diện Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Hòa Vang; bà Cao Thị Huyền Trân – Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hải Châu; cùng đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã Hòa Phong. Ngoài ra, sự góp mặt của đại diện các làng lân cận, đông đảo đại biểu ở thôn và bà con nhân dân đã tạo nên bầu không khí trang trọng, gắn kết và thấm đượm bản sắc văn hóa địa phương.

 

Hành trình về nguồn cội

Đình làng Dương Lâm không chỉ là nơi thờ tự các vị Thành Hoàng mà còn là biểu tượng tâm linh, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của người dân địa phương qua bao thế hệ. Ngôi đình được xây dựng vào năm 1866, dưới triều vua Tự Đức, với kiến trúc một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, mang đậm nét đặc trưng của đình làng miền Trung. Điểm đặc biệt là cửa đình được xây dựng theo trục đòn đông, điều hiếm thấy ở các công trình tương tự trong khu vực. Ngoài ra, làng Dương Lâm còn sở hữu nhiều công trình tín ngưỡng khác như miếu Ngũ Hành, dinh Ông, dinh Bà, dinh Thái Giám… phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người dân nơi đây.

Theo các bậc cao niên, làng Dương Lâm trước đây có tên là Dương Lam, thuộc xã Dương Sơn, đến thời vua Bảo Đại mới đổi thành Dương Lâm. Hai vị thủy tổ khai hoang lập làng là tộc Thi và tộc Phạm, được dân làng tôn vinh là “lưỡng tộc đồng tiền hiền” và lập đình để thờ cúng.

 

Lễ hội – nơi kết nối các thế hệ

Lễ hội đình làng Dương Lâm 2025 diễn ra với hai phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng với các nghi thức khai mạc, cúng cầu an và dâng hương tổ tiên. Những nghi lễ này thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với các bậc tiền nhân, đồng thời cầu mong một năm mới bình an, mùa màng bội thu.

Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, phần hội mang đến không khí rộn ràng với hàng loạt hoạt động vui chơi, giải trí. Các trò chơi dân gian như kéo co, ô ăn quan, đập niêu, tem trầu cánh phượng thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, những màn hô hát bài chòi – loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của miền Trung – càng làm cho không khí lễ hội thêm sôi động. Đây không chỉ là dịp để vui chơi mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc quê hương.

 

Những cuộc hội ngộ đầy xúc động

Lễ hội đình làng không chỉ thu hút người dân trong vùng mà còn là dịp để những người con xa quê trở về. Ông Nguyễn Thành (65 tuổi, quê Dương Lâm, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng, dù công việc bận rộn đến đâu, ông vẫn luôn cố gắng thu xếp thời gian về quê vào mỗi dịp lễ hội. Với ông, đây không chỉ là dịp tri ân tổ tiên mà còn là cơ hội gặp lại bạn bè, bà con, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thuở ấu thơ.

Cũng trong không khí ấm áp ấy, ông Nguyễn Lâm (73 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Dương Lâm 2, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội làng) cho biết: “Chi hội Người cao tuổi của thôn hiện có 200 hội viên, tất cả đều tham gia nhiệt tình vào công tác tổ chức, hoạt động lễ hội. Vai trò của người cao tuổi không chỉ là gìn giữ truyền thống mà còn là động viên con cháu tham gia các hoạt động, từ dọn vệ sinh, cúng cầu an, tế lễ cho đến các trò chơi dân gian…”. Ông nhấn mạnh rằng lễ hội không chỉ là dịp tri ân tiền nhân mà còn là sợi dây gắn kết giữa các thế hệ, để dù đi đâu, con cháu Dương Lâm vẫn luôn nhớ về quê hương và đây cũng là dịp cho lớp người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…

 

Bữa cơm đoàn kết – nét đẹp truyền thống

Một điểm đặc biệt trong lễ hội đình làng Dương Lâm là vào ngày 16/3, tất cả các hộ gia đình trong làng đều “tắt bếp” vào bữa trưa. Thay vào đó, mọi người từ già đến trẻ đều tập trung tại đình làng để cùng nhau sinh hoạt, ăn uống, trò chuyện trong không khí thân tình. Kinh phí cho bữa tiệc này hoàn toàn do các gia đình tự nguyện đóng góp, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó bền chặt của cộng đồng. Đây là một nét đẹp văn hóa mà ít nơi nào có được.

Theo ông Võ Văn Ngà, Bí thư Chi bộ thôn Dương Lâm 2, hiện nay làng có hơn 600 hộ gia đình, trong đó hơn 85% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Chính sự gắn kết bền chặt trong cộng đồng đã giúp người dân nơi đây đồng thuận cao trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Lưu giữ bản sắc, hướng tới tương lai

Lễ hội đình làng Dương Lâm không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Những nghi thức tế lễ, các trò chơi dân gian, điệu hát bài chòi… không chỉ mang lại niềm vui trong ngày hội mà còn là kho tàng văn hóa quý giá cần được bảo tồn. Ngoài lễ hội đình làng, hằng năm, Dương Lâm còn tổ chức các nghi lễ quan trọng khác như Lễ Minh Niên vào ngày mùng 1 Tết âm lịch, Lễ Cầu An vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, Lễ Giỗ Tiền Hiền vào ngày 14 tháng 4 âm lịch và Lễ Chạp Mã làng vào ngày 7 tháng 11 âm lịch.

Nhờ sự chung tay của các hội đoàn thể và người dân địa phương, lễ hội đình làng Dương Lâm ngày càng được tổ chức bài bản, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương đến du khách thập phương. Mỗi mùa lễ hội qua đi, lòng người lại thêm gắn bó, yêu thương và tự hào về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Hiện nay, do nhu cầu về dân số và địa lý, làng Dương Lâm đã phân ra thành 2 thôn Dương Lâm 1 và Dương Lâm 2. Dẫu vậy, dù ở nơi đâu, khi có lễ hội, con cháu làng Dương Lâm, dù làm ăn ở xa đều thu xếp để về thăm lại làng xưa, quê cũ, thắp nén hương để tưởng niệm công đức của tiền nhân, một thời khai cư mở cõi.

Lễ hội đình làng Dương Lâm 2025 không chỉ đơn thuần là một sự kiện văn hóa mà còn là dịp để mỗi người tìm về những giá trị truyền thống, để tâm hồn lắng lại giữa những bộn bề của cuộc sống hiện đại. Khi tiếng trống hội vang lên, khi mái đình cổ kính trầm mặc ven cánh đồng làng, đó cũng là lúc quá khứ và hiện tại giao hòa, để mỗi người con Dương Lâm thêm yêu mến và tự hào về quê hương của mình.

 

Tiên Sa

 

Kèm ảnh: Chụp trong 2 ngày 15 và 16/3/2025.

(1).JPG: Người cao tuổi chơi ô ăn quan tại Lễ hội Đình Làng Dương Lâm.
- (2).JPG: Thi kéo co tại Lễ hội Đình làng Dương Lâm.
– (2).JPG: Thi kéo co tại Lễ hội Đình làng Dương Lâm.
– (3).JPG: Người cao tuổi thi đập niêu tại Lễ hội Đình làng Dương Lâm.
– (4).JPG: Người cao tuổi thi  tem trầu cánh phượng tại Lễ hội Đình làng Dương Lâm.
.- (5).JPG: Cụ Nguyễn Lâm, Chi hội trưởng Người Cao tuổi thôn Dương Lâm 2, Phó ban tổ chức Lễ hội Đình Làng.
– (6).JPG: Nghi thức Lế Tế Tiền hiền tại Đình Dương Lâm.

 

– (7).JPG: Lãnh đạo huyện ủy Hòa Vang dâng hương tưởng nhớ tổ tiên.

 

(8).JPG: Những người con quê hương từ xa về dâng hương tổ tiên và chụp ảnh lưu niệm.

 

– (9).JPG: Cuối cùng là quý vị đại biểu, quan khách, bà con nhân dân chung vui bửa cơm thân mật.

 

– (10).JPG: U70 hát mừng Lễ hội Đình làng.
Người đứng hàng thứ tư (từ trái qua) là Bà Cao Thị Huyền Trân, Bí Thư Quận Ủy Quận Hải Châu TP Đà Nẵng. Người đứng hàng thứ năm (từ trái qua) là Ông Bùi Hồng Trung, Bí Thư Huyện Ủy Huyện Hoà Vang cùng Quý vị Đại Biểu Chụp ảnh cùng với Ban Tổ chức Lễ hội Đình Làng.
Lãnh Đạo, Ban Tổ Chức cùng Quý vị Đại biểu dự tiệc chung vui “dân dã” tại sân Đình Làng Dương Lâm.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nổi bật
Liên hệ
Giải Đua Ghe Thôn Bồ Bản Trở Thành Niềm  Tự Hào Của Người Dân Bồ Bản

Giải Đua Ghe Thôn Bồ Bản Trở Thành Niềm Tự Hào Của Người Dân Bồ Bản

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025), thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang đã tổ chức …

26-03-2025

Nổi bật
Liên hệ
VỀ THÔN BỒ BẢN  XEM “NGÀY HỘI  TOÀN DÂN CHÀO MỪNG   50 NĂM  NGÀY QUÊ HƯƠNG GIẢI PHÓNG”

VỀ THÔN BỒ BẢN XEM “NGÀY HỘI TOÀN DÂN CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY QUÊ HƯƠNG GIẢI PHÓNG”

Thôn Bồ Bản, thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, là một vùng đất có lịch sử hơn 500 năm với những nét văn …

23-03-2025

Nổi bật
Liên hệ
Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, …

22-03-2025

Nổi bật
Liên hệ
ĐI XEM BIỂN HỒ T’NƯNG TRÊN NÚI

ĐI XEM BIỂN HỒ T’NƯNG TRÊN NÚI

   Biển Hồ Pleiku nằm trong quần thể “Khu Du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ – Chư Đăng Ya”, là hồ nước ngọt tự nhiên nằm …

21-03-2025