HỒI ỨC VỀ ĐÀI TƯỞNG NIỆM CẦU THÀNH DIÊN KHÁNH
Cho dù chiến tranh đã đi qua gần 50 năm rồi nhưng mỗi lần về quê, đi ngang qua Đài tưởng niệm Cầu Thành, Diên Khánh; nhìn thấy sừng sững tượng đài hình ảnh người mẹ gương mặt đau khổ bồng xác con ngặt nghẽo trước mặt mà lòng xót xa vô hạn! Biết bao hồi ức ngày xưa hiện về trở lại trong tôi mà ứa lệ! Nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm. Hôm nay, nhân dịp đến ngày 27/7/2023 không cầm lòng được, cầm bút viết về ngày ấy, xa xưa…!
Ngày xưa ấy, mỗi khi đến chợ Thành, Diên Khánh (cách thành phố Nha Trang 10 km về phía tây nam), rẽ phải về phía bắc ra sông Phú Lộc (sông Cái) thì thấy dòng sông nơi đây thật thơ mộng với bãi cát vàng mênh mông trải dài dọc theo bờ nam và luỹ tre xanh ngát chạy dài theo bờ bắc. Trên sông, có chiếc cầu gỗ tên gọi “Cầu Thành” mà mỗi khi đi ngang qua đó, thường gợi cho mỗi người chúng ta nhớ đến âm điệu ngọt ngào lời ru của mẹ mà một thời mẹ đã đưa ta vào giấc ngủ hồn nhiên thuở còn thơ:
“Ầu ơ…!………
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi….”.
Mỗi năm, chiếc cầu ấy thoắt ẩn, thoắt hiện trên dòng sông nối liền thị trấn Diên Khánh sầm uất với làng quê Phú Lộc (nay là Bắc thị trấn Diên Khánh) và vùng Tứ thôn Đại Điền (nơi có các xã: Diên Sơn và Diên Điền anh hùng). Sự thoắt ẩn, thoắt hiện ấy xảy ra, bởi lẽ: Chỉ vì mùa đông mưa gió, khi nước lũ tràn về, những người dân đầu tư dựng cầu phải tháo dỡ cầu để không bị nước cuốn trôi; đôi lúc, mưa nguồn nhiều ngày, đêm đến nước lũ tràn về đột ngột, không tháo dỡ cầu kịp, đành phải ngậm ngùi nhìn cảnh chiếc cầu gỗ dài ọp ẹp bắt qua sông lần lượt bị nước cuốn trôi đi từng đoạn và họ cùng kéo nhau đi vớt ván cầu; cứu lấy những tấm ván gỗ cầu bị trôi như cảnh cứu người chết trôi. Mùa mưa thì dân phải qua lại hai bên bờ sông bằng đò (ghe).
Ngày thường, cảnh sắc nơi đây có nét đẹp riêng. Ban ngày, nắng vàng lên toả rộ, dòng sông lấp lánh, làm xanh ngát cả những luỹ tre vươn mình trong nắng gió. Trên cầu, từng dòng người nối tiếp qua sông; đẹp nhất, có lẽ mỗi khi nữ sinh đi học đầu buổi và cuối buổi ngang qua cầu. Hình ảnh chiếc nón lá, dáng thiếu nữ tóc dài với tà áo dài trắng vờn bay trong gió trên chiếc cầu gỗ bắt qua sông; trên dòng sông thỉnh thoảng có vài con đò lướt sóng chở cát đi qua, làm cho nơi đây càng đẹp hơn, như một bức tranh. Ban đêm, lúc trăng lên cảnh sắc càng thêm sâu lắng, gợi nhớ cho ai cái cảm xúc của một thời buồn đau với cảnh chết chóc, tang thương trong chiến tranh cách đây gần 50 năm về trước (trước 30/4/1945).
Sự hiện hữu của Đài tưởng niệm Cầu Thành ngay tại đầu cầu phía nam hiện nay đã nói lên được hết cả cái cảm xúc ấy. Hình ảnh người mẹ già với khuôn mặt khắc khổ, hằn sâu nỗi gian truân trong cuộc sống với ánh mắt ngỡ ngàng, đầy xúc động, nước mắt giàn giụa như cầu xin sự sống cho con… trên đôi tay mẹ bồng xác đứa con ngặt nghẽo. Tất cả những hình ảnh về cái đẹp tuyệt vời của thiên nhiên ở làng quê với chiếc cầu gỗ gập ghềnh trơ gan cùng nắng gió ngày xưa, bên cạnh tượng đài người mẹ bồng xác đứa con ấy, cứ làm cho ai đó đau nhói trong lòng mỗi khi tái hiện về hồi ức của một thời chiến tranh trong quá khứ!
Những năm chiến tranh ấy, vùng quê quanh Diên Khánh hầu hết đều có cơ sở cách mạng, kháng chiến; nhất là vùng Tứ thôn Đại Điền (Diên Sơn và Diên Điền), Diên An, Diên Toàn, Diên Lạc, Diên Thạnh, Diên Bình, Diên Thọ, Diên Lâm… gắn liền với những căn cứ kháng chiến ở các vùng núi, như: Hòn Dữ – Suối Thơm, núi Đồng Bò, núi Đại An Diên Điền… Do vậy, việc huy động các lực lượng quân sự của các nước tham chiến ở Việt Nam đánh phá các căn cứ cách mạng kháng chiến; phục kích, sát hại, càn quét, tiêu diệt các cơ sở cách mạng ở địa phương là thường xuyên. Đêm nào có đánh nhau, có tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, phun những làn đạn đỏ chóe như vòi rồng lửa xuống các vùng núi; có tiếng súng đạn nổ vang trời, có đèn dù chiếu sáng rực… là dường như sáng hôm sau đều có xác người chết được mang đến đặt nằm ở bãi cát bên bờ phía nam đầu Cầu Thành.
Đôi lúc, có những cuộc càn quét với quy mô lớn, từng đoàn xe chở lính biệt kích rằn ri, lính Nam Triều Tiên, lính Mỹ… có máy bay ném bom, máy bay trực thăng yểm trợ, bay ngợp trời, là có những trận đánh lớn. Có hôm, họ chở về trên xe quân sự hàng mấy chục xác chết thê thảm; đặt nằm trong nhiều tư thế khác nhau, ngổn ngang, xếp lớp bên bãi cát đầu cầu Thành như để trưng bày chiến tích và khủng bố tinh thần kháng chiến của nhân dân (sau này, tôi mới biết đó là kết quả của những trận càn của Mỹ và chư hầu vào căn cứ cách mạng Hòn Dữ).
Thường xuyên nhất, là có một vài thân xác áo quần cháy, rách để lỏa thể; trong đó, ám ảnh tôi nhất là xác của một người nữ mà họ không cho nổi mảnh đắp che thân…! Thỉnh thoảng, có thân nhân ở địa phương nhận diện xác, đưa về gia mai táng. Cảnh những người mẹ già ôm xác đứa con khóc thương thảm thiết! Những xác người nào được đắp lên chiếc chiếu, có chén cơm trắng, cây đèn hột vịt, có nén nhang cắm để trên đầu; là biết được xác đó có người thân nhận dạng, là quý hoá lắm!
Chiều đến! khi mặt trời gần lặn xuống trên những rặng tre xanh ảm đạm hai bên dòng sông, những xác người vô thừa nhận được họ khiêng gánh hoặc cho xe múc chở lên bãi cát phía tây, cách đó vài trăm mét, đào lỗ lấp, chôn vùi; mặc cho nắng mưa, sông nước cuốn trôi thân xác ra biển cả, mỗi khi mùa đông nước lũ tràn về!
Hình ảnh như điệp khúc cả chục năm trong chiến tranh ở vùng đất Diên Khánh: “Đêm đến – tiếng máy bay – hỏa châu chiếu sáng – súng nổ – xác người chết ở đầu cầu Thành – người xem và tiếng khóc thảm thương của mẹ và người thân – chôn vùi thân xác trên bãi cát…” cứ lặp đi lặp lại trong tôi hàng bao năm trời! Hình ảnh ấy mãi mãi không bao giờ quên đối với những thế hệ trước năm 1975 của những người con làng Phú Lộc và Tứ thôn Đại Điền thời ấy, cho đến khi về cõi vĩnh hằng!
Cầu Thành ngày ấy do người Mỹ làm bằng gỗ để đi qua cải lộ tuyến, tránh vào thành phố Nha Trang (khi chưa có Cầu Mới cải lộ tuyến), là trục giao thông Bắc – Nam trên tuyến Quốc lộ 1. Hàng ngày, các đoàn xe công – voa chở quân, tải đạn bom, súng ống, quân trang, quân dụng các loại… nườm nượp qua sông, càng làm cho nơi đây đậm mùi không khí chiến tranh hoà với cả mùi máu của xác chết và mùi mồ hôi, nước mắt của những bà mẹ khóc những đứa con…!
Giờ đây, những xác chết ấy, những người con hy sinh trong cuộc chiến ấy đã về cõi vĩnh hằng. Có người được đưa xác về yên nghỉ tại các nghĩa trang, có hương khói; có người thân chăm sóc, viếng mộ mỗi khi Xuân về, Tết đến và ngày 27/7… Còn lại, biết bao nhiêu liệt sĩ đã ngã xuống, thân xác chôn vùi nơi hoang dã, trôi nổi về đâu?!
Nếu ai đó, chịu khó tổng hợp trên vùng đất Diên Khánh có bao nhiêu liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh; trừ đi cho số người đã được an táng và qui tập về nghĩa trang, thì sẽ có được con số tương đối về xác người chết vô thừa nhận, phải bị chôn vùi trên bãi cát đầu Cầu Thành, để mỗi mùa nước lũ kéo về thì không còn đâu nữa!
Ba tiếng: “Đầu – Cầu – Thành” ngày ấy như là hình tượng, là địa danh biểu tượng của cái chết, tang tóc…do chiến tranh gây ra! Bây giờ, nơi ấy được xây xây cầu bê tông và bờ kè mới cùng tượng đài hoành tráng và mang ý nghĩa lịch sử vô cùng quý giá cho địa phương; có tác động giáo dục sâu sắc cho mọi thế hệ về sau luôn luôn nhớ về lịch sử; nhớ về nỗi đau của quê hương, của dân tộc trong chiến tranh…
Thực tế, lịch sử chiến tranh ở vùng đất này cũng như rất nhiều địa phương khác trên cả nước đã để lại dấu ấn sâu sắc, bi thương còn hơn như vậy! Giá trị lịch sử được tôn vinh, thể hiện bằng công trình văn hoá “Đài tưởng niệm Cầu Thành” với hình tượng người mẹ ôm xác đứa con, được đặt tại vị trí đúng nơi mà ngày xưa đã diễn ra cảnh tang thương hàng ngày là như vậy. Tượng đài như nhắc nhở mọi thế hệ đời sau luôn nhớ về bài học lịch sử của quê hương, đất nước mình, mà cùng nhau xoá bỏ hận thù; anh em giống nòi chung một nhà, ra sức góp phần xây dựng gia đình, đất nước phồn vinh. Làm được điều đó, chính là nghĩa cử cao đẹp, đền ơn đáp nghĩa cho những bà mẹ, cho những anh hùng liệt sĩ và những người đã ngã xuống vì chiến tranh tàn khốc; để chúng ta có sự bình yên và phát triển như ngày hôm nay. /.
Hạnh Nguyên