ĐÀ NẴNG: LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN “NGHỀ LÀM BÁNH TRÁNG TÚY LOAN LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA”
Sáng ngày 5/10/2024, trong khuôn khổ phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, UBND xã Hòa Phong tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính thức ghi nhận “Nghề làm bánh tráng Túy Loan” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của một nghề thủ công truyền thống đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ tại làng Túy Loan.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Xử – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng – nhấn mạnh rằng nghề làm bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đã có từ rất lâu đời, gắn liền với cuộc sống và văn hóa của người dân địa phương. Nghề này không chỉ giúp người dân mưu sinh mà còn đóng vai trò bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của làng cổ Túy Loan. Qua bao thế hệ, những bí quyết, kỹ thuật và kinh nghiệm dân gian trong việc làm bánh tráng đã được trao truyền và gìn giữ. Những chiếc bánh tráng thơm ngon đã trở thành một phần không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày, mâm cúng gia tiên, hay làm quà tặng mỗi dịp lễ, Tết. Điều này càng khẳng định ý nghĩa quan trọng của nghề trong đời sống cộng đồng.
Việc “Nghề làm bánh tráng Túy Loan” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự ghi nhận đóng góp của các nghệ nhân và cộng đồng làng nghề, mà còn là cơ hội để địa phương tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Ông Phạm Tấn Xử khẳng định, đây là điều kiện thiết yếu để Đà Nẵng phát triển các hoạt động du lịch văn hóa làng nghề, giới thiệu rộng rãi hơn về nét độc đáo của bánh tráng Túy Loan tới du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu thêm, ông Trần Đại Nghĩa – Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Phong – cho biết hiện nay, trong xã có khoảng 15 hộ gia đình vẫn duy trì việc làm bánh tráng thường xuyên. Vào dịp Tết Nguyên đán, con số này tăng lên đến hơn 40 hộ để đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường. Từ năm 2014, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều đề án phát triển làng nghề, chú trọng vào việc bảo tồn và quảng bá sản phẩm bánh tráng Túy Loan, đồng thời kết hợp với du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Những hộ làm nghề truyền thống tại đây cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền và ngành chức năng, bao gồm vay vốn ưu đãi và cung cấp các thiết bị như máy xay bột, giàn phơi, máy hút chân không… Các hộ sản xuất đã được hỗ trợ tới 30 triệu đồng mỗi hộ để phát triển sản xuất, đảm bảo nghề làm bánh tráng ngày càng phát triển.
Sau buổi lễ, bà Đặng Thị Túy Phong – một nghệ nhân với 84 tuổi đời với hơn 50 năm kinh nghiệm làm bánh tráng truyền thống tại làng Túy Loan – chia sẻ, dù thu nhập từ nghề không cao, nhưng những người lớn tuổi trong làng như bà vẫn luôn cố gắng giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. Lúc còn sức khỏe, Bà bắt đầu ngày làm việc từ 3 giờ sáng và làm liên tục đến 10 giờ, mỗi ngày làm khoảng 160 chiếc bánh tráng. Bánh được làm từ những nguyên liệu tinh túy như gạo, mè, gừng, tỏi, nước mắm và đường, tạo nên hương vị độc đáo, làm say lòng bao thế hệ thực khách.
Trong buổi Lễ, ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, đề nghị chính quyền địa phương và cộng đồng làng nghề với những lợi thế và tiềm năng phát triển, tiếp tục phát huy giá trị di sản, trong đó chú ý nhiệm vụ xây dựng Đề án, kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghề làm bánh tráng Túy Loan gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng” để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa làng nghề trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng, góp phần giới thiệu, quảng bá du lịch thành phố Đà Nẵng thân yêu của chúng ta./.
Tiên Sa
Kèm ảnh: