Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh khi phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023 – sáng 18/11.
Sát cánh, đồng hành cùng ngành Giáo dục
Nhân dịp này, Bộ trưởng gửi lời chúc các nhà báo luôn giữ ngọn lửa yêu nghề, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc.
Theo Bộ trưởng, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” đã đi được chặng đường 5 năm. Đó là quãng thời gian chúng ta chứng kiến sự trưởng thành về uy tín và ảnh hưởng của Giải.
Đồng thời, chứng kiến những mảnh ghép, lát cắt về đời sống giáo dục. Có thể báo chí chưa phản ánh đầy đủ nhưng phần nào thấy được bức tranh sống động, đa dạng và phong phú về giáo dục trên đất nước Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng trân trọng những tác phẩm mà các tác giả tham gia và đoạt giải.
Được phát động lần đầu tiên (năm 2018), với gần 700 tác phẩm của 4 loại hình báo chí tham gia; qua các năm, số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi ngày một tăng và có sức lan tỏa sâu rộng.
Nếu như năm đầu tiên, tác phẩm dự thi chủ yếu đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và một số địa phương, thì năm nay Giải đã lan tỏa đến phóng viên đang công tác tại Trung tâm văn hóa truyền thông tại các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bằng ghi nhận thực tế, sự dấn thân của mình, các nhà báo đã viết lên những tác phẩm chân thực, khách quan, phản ánh toàn diện, có chiều sâu về giáo dục trên khắp các vùng miền.
Chúng ta thấy được hình ảnh thầy, cô giáo nhiệt huyết, luôn hết lòng vì học trò. Đó còn là sự đổi mới, sáng tạo của tập thể sư phạm để mang đến những giờ học bổ ích, những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và ông Raymond Gordon – Hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam trao giải cho tác giả đạt giải Đặc biệt. |
“Bộ GD&ĐT rất trân trọng sự đồng hành của báo chí và mong rằng, các phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí trên cả nước tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng ngành Giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp đổi mới, phục vụ sự phát triển của đất nước” – Bộ trưởng bày tỏ.
Cầu nối để xã hội hiểu hơn về giáo dục
“Mỗi tác phẩm là gạch nối của quá khứ, hiện tại và tương lai, là nhịp đập, hơi thở của đời sống giáo dục… để bồi đắp, gieo thêm niềm tin, lòng trắc ẩn và sự lan tỏa những điều tốt lành, tình yêu thương, lòng bao dung đến với mỗi người. Từ đây, chúng tôi có thêm cơ sở thực tiễn để đưa ra những chủ trương, quyết sách phù hợp hơn cho giáo dục của nước nhà” – Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, các tác phẩm tham dự không chỉ quan tâm đến những vấn đề nóng của ngành như: thiếu giáo viên, chính sách cho nhà giáo; những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, dạy học tích hợp, tâm lý học đường, học phí, chuyển đổi số…
Năm nay, nhiều tác phẩm đã khai thác những vấn đề hết sức quan trọng nhưng ít được truyền thông quan tâm như: giáo dục mầm non, lĩnh vực khoa học cơ bản, xóa mù chữ, văn hóa đọc, giáo dục truyền thống, nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, bất cập trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, các tác phẩm ca ngợi về thầy trò, những tấm gương thầy cô, nhà trường có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục.
Tại Lễ trao giải, Bộ trưởng hoan nghênh, ghi nhận và gửi lời cảm ơn chân thành đến các phóng viên, nhà báo nói riêng và cơ quan báo chí trên cả nước nói chung.
“Các nhà báo cho xã hội, chúng tôi thêm một góc nhìn mới về những gì đã, đang và sẽ diễn ra đối với Giáo dục” – Bộ trưởng ghi nhận.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và một số tác giả đạt giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023. |
Bộ trưởng nhìn nhận, phía sau mỗi tác phẩm là sự nỗ lực, tìm tòi, là mồ hôi, công sức của những người làm báo. Có những nhà báo gắn bó nhiều năm với giáo dục và có nhiều tác phẩm tham dự giải. Qua đó thể hiện tình yêu nghề, sự hiểu sâu về giáo dục; trên hết là tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục.
Trong số các tác phẩm đạt giải, không chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước, có nhiều tác phẩm viết về nghề giáo và thầy, cô giáo. Đây là đặc điểm, đặc trưng của Giải và cũng là nét đẹp đáng trân trọng thể hiện truyền thống “tôn sự trọng đạo” đã được phản ánh qua các tác phẩm báo chí.
Sự tôn nghiêm của nghề giáo và đội ngũ nhà giáo thể hiện qua sự ngay ngắn của ngôi trường, văn hóa học đường, rộng hơn là của nền giáo dục đất nước. Trước tác động của kinh tế thị trường, của những tiêu cực trong giai đoạn phát triển hiện nay, sự tôn nghiêm này đang có phần biến động.
Báo chí có vai trò quan trọng trong việc củng cố và khẳng định vị thế, sự tôn nghiêm của nghề giáo trong xã hội thông qua thông tin tuyên truyền, khách quan, đầy đủ, nhân rộng những tấm gương, câu chuyện tích cực, ý nghĩa quyết liệt và bảo vệ đến cùng những thông tin chưa đúng về nghề giáo và đội ngũ giáo viên.
Theo Bộ trưởng, báo chí không chỉ là người đồng hành, phản biện và phát hiện mà còn là “bà đỡ” cho đổi mới và phát triển giáo dục, với sự tham dự, thấu hiểu một cách toàn diện, đầy đủ các góc nhìn, cung bậc rất đa dạng, sự ấm áp tươi tắn của giáo dục đang diễn ra.
Giáo dục có tác động tới mọi người, mọi nhà nên luôn nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Mọi thông tin liên quan đến giáo dục luôn có sức hút với dư luận. Sự hỗ trợ và đồng hành của báo chí giúp cho người dân hiểu đầy đủ hơn về những chủ trương, chính sách lớn mà ngành giáo dục đang triển khai trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Báo chí chính là cầu nối để xã hội hiểu hơn về giáo dục, nghề giáo và các thầy cô giáo. Báo chí cũng là diễn đàn để các nhà giáo chia sẻ, tin tưởng và đồng hành nhiều hơn với giáo dục. Thông tin phản biện, góp ý xây dựng của báo chí cũng là nguồn thông tin quan trọng để các cấp quản lý, nghiên cứu, tham khảo, điều chỉnh các vấn đề chính sách.
Ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại và ông Phạm Tiến Toàn – Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT trao giải cho các tác giả đạt giải Khuyến khích. |
“Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” cũng là dịp để tri ân và tôn vinh những tác phẩm đặc sắc viết về giáo dục, vinh danh những tác giả luôn âm thầm, dõi theo từng bước đi của Giáo dục theo cách riêng của các nhà báo” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tuyên bố phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024. Ban tổ chức sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí, các phóng viên nhà báo, để Giải ngày càng uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống lâu bền.
Qua 5 năm tổ chức, đã có gần 4.000 tác phẩm tham dự. Trong đó, 251 tác phẩm được lựa chọn để trao giải; gồm có 20 giải A (giải Nhất), 40 giải B (giải Nhì), 59 giải C (giải Ba) và 132 giải Khuyến khích. 5 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải Đặc biệt. Qua mỗi năm, Ban tổ chức lại lựa chọn được những Gương mặt nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải. Đó là những con số biết nói và cũng là điểm nhấn qua mỗi mùa Giải.
Nguồn:https://giaoducthoidai.vn/bao-chi-la-ba-do-cho-doi-moi-va-phat-trien-giao-duc-post661595.html