Tiếng Việt vẫn thắp trên môi chúng ta mỗi ngày, là thước đo tâm hồn người Việt, là dòng chảy bất tận trong những tác phẩm văn chương, trong bao lời ca tiếng hát và lời ăn tiếng nói hằng ngày.
Vẻ đẹp lung linh, tinh tế của tiếng Việt
Ngay từ thời Thơ Mới (1932-1945), trong hoàn cảnh nước nhà chưa độc lập, tác phẩm của hầu hết các thi nhân đương thời đều giăng mắc một nỗi buồn bàng bạc, Hoài Thanh đã tâm sự: “Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng” (Một thời đại trong thi ca). Còn Huy Cận đã bày tỏ tình yêu tiếng Việt bằng những câu lục bát mặn nồng: “Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/ Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/ Hồn thiêng đất nước cùng ngồi bên con/ Tháng ngày con mẹ lớn khôn/ Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha/ Đời bao tâm sự thiết tha/ Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ” (Nằm trong tiếng nói).
Ấn phẩm do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2016. |
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tình yêu tiếng Việt vẫn hiện lên nồng nàn trên những trang văn của Nguyễn Tuân. Trong tùy bút “Về tiếng ta” viết năm 1966, nhà văn đưa nhiều ví dụ để chứng minh về sự giàu đẹp, phong phú và tinh tế của tiếng Việt như những diễn đạt về sự chết, về di truyền nòi giống, về sức gợi cảm của một câu thơ trong “Chinh phụ ngâm” hay “Truyện Kiều”… Nguyễn Tuân cảm thấy mình “chịu ơn rất nhiều đối với quê hương ông bà đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà tôi hằng nói từ những ngày mới ra đời. Mà rồi cho đến cái phút cuối cùng không được chứng sống nữa, thì cái câu cuối đời của tôi cũng vẫn lại cứ nói lên vẫn chỉ bằng cái thứ tiếng nói ruột thịt tủy xương đó mà thôi”. Đối với một nhà văn chuyên viết tùy bút như Nguyễn Tuân, sự cầu kỳ, chăm chút, công phu, cẩn thận khi chọn từ, chọn chữ để diễn đạt ý tình luôn là một điều được thực hiện vô cùng kỹ lưỡng: “Có những tiếng những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng ngân vang hưởng của nó”.
Sau năm 1975, tình yêu tiếng Việt tiếp tục tuôn chảy trong nhiều thi phẩm của nền thơ Việt Nam hiện đại, trong đó phải kể đến bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, được sáng tác những năm đầu của thập niên 80. Bài thơ dài tới 60 câu, mang dáng dấp của một trường ca về tiếng Việt, mang trong đó những hơi thở hào hùng như một pho sử thi về tiếng nói của cha ông. Tất cả những thanh âm của quê hương, của bao lớp người lần lượt hiện lên qua những dòng thơ. Từ tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm đến tiếng kéo gỗ nhọc nhằn, từ tiếng gọi đò trên sông vắng đến tiếng lụa xé đau lòng, từ tiếng nước lũ dập dồn đến lời cha dặn… Vẻ đẹp của tiếng Việt giàu thanh điệu cho ta những biểu cảm độc đáo về mặt thanh âm mà những ngôn ngữ Tây phương không bao giờ có được: “Dấu huyền trầm dấu ngã chênh vênh/ Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy”. Sâu sắc hơn, Lưu Quang Vũ đã qua tiếng Việt mà đánh thức sự quay về nguồn cội, đánh thức sự hàn gắn của những con người còn ở bên kia chiến tuyến. Có phải càng xa quê hương thì cái tình với tiếng Việt càng cháy bỏng, cồn cào hơn lúc nào hết. Và vượt lên mọi cách ngăn về địa lý, về chính trị, thi sĩ tin rằng muôn người Việt có thể trở về đoàn tụ bên nhau trong tình yêu thứ tiếng nghìn đời. Tám câu thơ khép lại tác phẩm đã chạm vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi chúng ta: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?/ Ai ở phía bên kia cầm súng khác/ Cùng tôi trong tiếng Việt quay về/ Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/ Quên nỗi mình mặc cơm ăn/ Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/ Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”.
Tiếng Việt đứng trước thách thức bị lai tạp, biến dạng
Sang những thập niên đầu của thế kỷ 21, quan sát về sự vận dụng tiếng Việt trong đời sống hằng ngày, từ sinh hoạt đời thường cho đến những bài viết đăng báo, cho đến những tác phẩm văn học nghệ thuật, chúng ta không khỏi chạnh lòng về việc sử dụng tiếng Việt trong nhiều trường hợp còn cẩu thả, tùy tiện.
Chẳng hạn trên một tờ báo điện tử gần đây có đăng bài phỏng vấn một lãnh đạo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam với nhan đề: “Ghi nhận sự hy sinh của các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới 1979”. Nhan đề trên chưa phù hợp bởi từ “ghi nhận”. Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), “ghi nhận” được định nghĩa là: “Thừa nhận, công nhận và ghi lại để làm bằng”. Trong thực tế, sử dụng ngôn ngữ hằng ngày của người Việt, từ “ghi nhận” thường được dùng trong những hoàn cảnh mang tính thỏa thuận giữa hai bên có mối quan hệ tương đối bình đẳng với nhau, chẳng hạn: Nguyên tắc ghi nhận chi phí trong kế toán; Thêm ghi nhận quyền tác giả vào video của bạn… Từ “ghi nhận” là một từ có sắc thái trung tính, gạt bỏ cảm xúc của người viết ra một bên, vì thế, trong nhan đề bài báo nêu trên, sắc thái mà nó mang lại cho người đọc là một điều khá hời hợt, nhạt và thiếu sự quan tâm cần thiết. Không chỉ tạo ra cảm giác về sự bình đẳng giữa đối tượng nói và đối tượng được nói tới, từ “ghi nhận” trong ngữ cảnh trên còn gây cảm giác người đang nói đứng cao hơn người được nói.
Với một sự kiện lịch sử trọng đại như trên, cách diễn đạt bằng từ “ghi nhận” như trong tiêu đề của bài báo đã vô tình làm giảm nhẹ công lao to lớn của các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Để truyền tải được sắc thái và tình cảm tốt, trong trường hợp này, cần thay thế từ “ghi nhận” bằng từ “ghi tạc” hoặc “ghi khắc”. Như vậy, một nhan đề chuẩn mực hơn cho bài báo trên phải là: “Ghi tạc (hoặc ghi khắc) sự hy sinh của các liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới 1979”.
Những tít báo vi phạm lỗi ngữ pháp, tạo ra sự mơ hồ trong cách hiểu có thể bắt gặp nhan nhản trên các trang báo mạng, kiểu như: “Cô gái nhìn theo nam thanh niên nhảy cầu tự vẫn”; “Hai nữ thanh niên tình nguyện chết đuối”… Rồi các kiểu tít đánh lừa người đọc, cốt để câu view như: “Diễn viên Tự Long rải đinh trên đường cao tốc” (thực ra là một cảnh trong phim), “Bán trinh 16 tỷ đồng, thiếu nữ xây nhà cho người nghèo” (thực ra là chuyện xảy ra ở nước ngoài, người viết tự quy đổi mệnh giá từ USD sang Việt Nam đồng).
Trong các ca khúc Việt những năm gần đây, người nghe nhiều khi không khỏi nhăn mặt, khó lọt tai vì những lời ca được viết quá dễ dãi, ngây ngô, tùy tiện cùng một thứ ngữ pháp lủng củng, chẳng hạn: “Qua bao ngày gian truân ngày xưa kia, giờ đây mới được em yêu kề bên anh, mà ngu sao làm chi để vụt bay, mất tình sẽ đau…” (Tình yêu trong âu lo); “Vô tư đi cứ bám vào anh này, suy tư anh u não cả tháng ngày, không may cho em yêu tìm đến phải đúng thằng điên rồ trên khinh khí cầu” (Không phải dạng vừa đâu) v.v.. Rồi việc chèn tiếng Anh vô tội vạ vào lời một bài hát tiếng Việt, sính ngoại đến mức bút danh tác giả cũng đặt theo tiếng Anh: “Why it’s me. Làm sao đây? Trước mắt tôi là… Tell me please… Khi tất cả những yêu thương sau lưng chỉ là dối trá… I can’t suffer unpredictable things you did to me” (Không cần thêm một ai nữa).
Thiết nghĩ, những lệch chuẩn về tiếng Việt mà chúng tôi nêu trên cần có sự quan tâm sâu sát hơn nữa của các cơ quan chức năng, kiểm duyệt, những nhà quản lý văn hóa, những đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản, những cơ quan báo chí-truyền thông để cùng nhau góp phần trả lại vẻ đẹp trong sáng, tinh tế cho tiếng Việt. Tiếp đến là ý thức và lòng tự trọng của mỗi người viết. Việc giáo dục về tình yêu tiếng Việt nhất định phải được khơi lên hằng ngày, từ những thế hệ măng non bắt đầu cắp sách tới trường.
Tiến sĩ ngôn ngữ học ĐỖ ANH VŨ/QĐND