Chị bạn tôi giải thích, đại học không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời, thay vào đó khi vừa học hết lớp 9, nhiều học sinh đã chọn học một nghề nào đấy mà mình yêu thích. Thực tế thị trường lao động đã chứng minh, trong khi nhiều cử nhân ra trường loay hoay tìm kiếm việc làm, thì nhân lực học nghề và có tay nghề như những kỹ sư thực hành trình độ thế giới lại đang được rất nhiều doanh nghiệp săn đón, mời gọi. Quan trọng là lương cũng rất tốt. Cách nghĩ này cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong các gia đình người Việt trong nước.
Sinh viên Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị |
Để góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa đề xuất đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS với 10 ngành, nghề trọng điểm. Sẽ có khoảng 400 học sinh/ngành nghề, với tổng số người tham gia khoảng 4.000 người, thời gian thực hiện từ năm 2022-2028. Qua 3 giai đoạn với 5 năm đào tạo, chương trình có tính linh hoạt cao, nhiều điểm vào, điểm ra mềm dẻo giữa các giai đoạn, giúp người học được nhận các văn bằng tương ứng và tham gia thị trường lao động theo mong muốn.
Nhìn vào cấu trúc và nội dung của mô hình này, có thể thấy rất giống với mô hình đào tạo 9+ cho học sinh THCS mà các trường cao đẳng nghề đang áp dụng. Tuy nhiên, nó khắc phục được những mập mờ trong việc cộng cơ học theo số năm. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, mô hình 9+3 (năm) thì đạt trình độ trung cấp, 9+3+2 năm thì đạt trình độ cao đẳng, nhưng nhiều nơi lợi dụng kẽ hở, chỉ mới 9+4 đã cấp bằng cao đẳng. Việc ép trình độ một cách cơ học như vậy khiến người học ra trường không có đủ kỹ năng đảm đương công việc đúng vị trí. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp FDI chỉ tuyển người làm tốt nghiệp THPT để đào tạo kỹ năng 2-3 tháng mà không cần trình độ cao đẳng. Nhìn vào bức tranh đó để thấy lực lượng lao động được đào tạo ở Việt Nam rất thấp.
Đề án ra đời là bước tiến phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, mở ra nhiều con đường cho người học. Mặc dù là thí điểm nhưng thiết nghĩ, khi thiết kế kèm với đề án cần công bố rõ chương trình các môn văn hóa, để người học hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp trong tương lai; những vấn đề liên quan đến giảng viên, tài chính… cần hết sức cụ thể. Đề án cũng chưa thấy nói đến việc điều tra nhu cầu thị trường lao động ra sao vào năm 2025-2030. Đặc biệt, khâu kiểm soát chất lượng cần được chú ý, tránh chuyện lợi dụng văn hóa bằng cấp, làm méo mó bức tranh về đào tạo nhân lực.
KHÁNH HÀ/QĐND