Vì sao dân Việt Nam gọi những người con của dân tộc là “BÁC”

Mấy hôm nay, trước và sau ngày tổ chức lễ tang của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì sao nhiều người Việt Nam buồn thế. Rất nhiều người từ cụ già đến em nhỏ không hề có quan hệ họ hàng thân thích, chưa một lần gặp tổng bí thư nhưng lại đau buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư. Vì sao mọi người xét về tuổi đời có thể chỉ là cháu, là em, là anh kể cả những người lớn tuổi hơn Tổng bí thư rất nhiều nhưng họ đều dùng một từ chung để gọi Tổng bí thư là “bác Trọng” mà không gọi là anh, là em là ông là cụ. Tôi đã chứng kiến ba lễ tang của những người con vĩ đại của dân tộc vào 3 thời điểm khác nhau, nhưng sao khung cảnh giống nhau đến thế. Nhìn tình cảm và lòng thương tiếc của người dân Việt Nam thể hiện, tôi thấy mình cũng có những cảm xúc như vậy.

Trên thế giới để tôn trọng nguyên thủ quốc gia, thì người dân gọi họ là “ngài”. Nhưng có lẽ do phong tục tập quán, văn hóa và quan niệm của của người Châu Á nên người dân Việt Nam đều nghĩ, từ ngài trang trọng, lịch sự nhưng xa cách quá, từ ông, từ cụ cũng như vậy. Nên gọi bằng là Bác vừa tỏ lòng kính trọng, vừa gần gũi thân thương.

Nhớ lại cách đây 67 năm nhà tôi ở phố Mã Mây, Hà Nội. Khi tôi khoảng 4 đến 5 tuổi học ở nhà mẫu giáo. Hồi đó nhà trẻ mẫu giáo do Nhà nước thành lập ít lắm. Lần đầu tiên (không nhớ là ngày 1/6 hay rằm trung thu) tôi được gặp Bác Hồ. Bác đến nhưng không báo trước nên khi biết tin các cô giáo và học sinh ùa ra đón Bác mà không có sự chuẩn bị. Đi theo Bác chỉ có 2 người. Thân hình Bác hơi gầy, Bác mặc bộ quần áo kaki giản dị hơi bạc màu ngồi xổm ngay giữa sân trường giang rộng hai cánh tay ôm các cháu vào lòng như một người ông đi xa mới trở về. Bác mở gói quà trong tờ giấy báo chia kẹo và đồ chơi cho các cháu. Tôi được Bác cho một cái đồng hổ bằng nhựa, nhưng nói chính xác thì chỉ là một một cái đồ chơi hình đồng hồ đeo tay (hiện nay đồ chơi của trẻ em đẹp và tinh vi hơn nhiều) và có lẽ về giá trị tính ra tiền không đáng giá bao nhiêu. Nhưng hồi đó đất nước ta còn nghèo lắm nên đó là một thứ đồ chơi mà nhiều trẻ em mơ ước nhưng không dễ có được. Tôi mang về khoe với cha mẹ và để lẫn trong đồ chơi của mình. Do còn quá nhỏ không hiểu gì và thường xuyên phải đi sơ tán vì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau một lần chuyển nhà về khu Hai Bà Trưng, tôi không còn giữ được món quà của bác, sau đó cũng quên đi. Dần dần khi lớn lên tôi mới hiểu và cảm nhận được sự tiếc nuối vì làm mất món quà của Bác và nỗi ân hận đó đã đi theo tôi suốt cuộc đời.

Ngày nghe thông báo trên loa truyền thanh công cộng của thành phố Hà Nội về sức khỏe của Bác. Đêm đó tôi không ngủ được vì lo lắng. Sáng hôm sau đài truyền thanh đưa tin bác đã từ trần. Người ta nói gì, nói dài lắm vài lần thì tôi mới hiểu. Một sự đổ vỡ và nỗi buồn chợt đến. Một đứa trẻ còn ít tuổi khi đứng trước nỗi đau của người dân đất Việt thì không suy nghĩ được nhiều, nhưng có lẽ do nó đã sống trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ và trải qua chiến tranh nên cũng sớm trưởng thành, trong đầu óc cũng có những suy nghĩ lo lắng: Đất nước mình còn nghèo lắm, chiến tranh ngày càng ác liệt. Bác đi xa rồi con cháu phải làm sao. 

Ngày 6/9/1969, lễ viếng bác Hồ được tổ chức. Một đứa trẻ gầy gò, đầu không mũ co ro trong giá lạnh dưới trời mưa, người ướt sũng vì hồi đó có được một tấm nylon che mưa là một điều xa xỉ. Trong đám đông xung quanh cũng có những đứa trẻ lớn hơn hoặc bằng tuổi nó. Đứng trên vỉa hè trên đường Hùng Vương, nhìn sang Quảng trường Ba Đình, mắt nó ráo hoảnh, ngơ ngác nhìn biển người trên quảng trường và dòng người xếp hàng lặng lẽ đi qua, người nào cũng khóc. Chưa bao giờ nó thấy nhiều người khóc như thế. Đêm tối mịt mà trời thì mưa như trút nước, thỉnh thoảng có ánh chớp lóe sáng. Mưa nhiều quá chắc là ông trời cũng đồng cảm với lòng người dân Việt Nam.

Ngày 09/9/1969, bài Điếu văn Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rung động trái tim không chỉ người Việt Nam mà của tất cả những dân tộc yêu chuộng tự do, hòa Bình trên toàn thế giới. Những lời thề của người dân Việt Nam trong lễ truy điệu Người đã trở thành nguồn động viên cổ vũ toàn đảng, toàn dân tộc Việt nam, biến đau thương thành hành động. Đưa cuộc kháng chiến giành tự do độc lập đến thắng lợi cuối cùng. Mặc dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ sau chiến tranh, nhưng vì thấm nhuần tư tưởng, lời dạy và đi theo con đường mà Bác đã chỉ ra nên Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đã đánh thắng quân xâm lược bành Trướng Bắc Kinh và bọn khơ me đỏ phản động, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc và xây dựng nên đất nước Việt nam được như ngày hôm nay.

Nhà tôi không treo ảnh Bác Hồ, nhưng tôi đặt bàn thờ Bác trong tim mình. Hàng năm khi đến ngày 19/5, cả nước tổ chức rất trọng thể kỷ niệm ngày Bác sinh. Tôi không làm gì, nhưng luôn dằn vặt, cảm thấy có lỗi với Người vì mình luôn ghi nhớ 5 điều năm xưa Bác dạy, nhưng không làm được điều thứ 2 là: “Học tập tốt, lao động tốt”, không thể thành người tài đức để giúp dân, giúp nước nên đành phải cố gắng hết sức để có thể trở “thành nhân” thôi.

Ngày nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, trong tôi lại trào lên cảm xúc như hồi năm 1969. Ông là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1949, nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Quân đội, Bác Hồ gửi thư cho bộ đội và dân quân du kích, Trong thư, Người nêu rõ: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả”. Tôi hiểu, cách gọi đó rất trang trọng nhưng đầy tình cảm gần gũi và kính trọng. Tôi cũng có vinh dự từng là người linh của Đại tướng, nên rất tự hào được gọi Đại tướng là Anh cả, những luôn cảm thấy có lỗi vì về tuổi đời tôi có thể gọi là Ông, chính xác hơn phải gọi bằng Bác. Khi đại tướng đi xa rồi, giống như hàng triệu người Việt Nam tôi mãi mãi gọi Đại tướng là Bác Giáp.

Ngày bác Giáp mất, “nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin trên vị trí nổi bật. Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhận xét: “Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối”.

“Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam. “Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh”,

Hãng thông tấn Mỹ AP cho hay Tướng Giáp nổi lên “là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954”

Còn Người Việt nam luôn hiểu rằng: Bác Giáp là biểu tượng của ý chí và lòng tự hào của dân tộc Việt Nam. 

Những chiến công vang dội, những thành tích đạt được trong suốt cuộc đời binh nghiệp của Bác Giáp, người dân Việt Nam và báo đài trên thế giới nói nhiều rôi, tôi không có khả năng và không thể nói gì hơn nữa nhưng tôi chỉ hiểu được một điều: Hôm nay, thêm một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con của dân tộc Việt Nam, được rất nhiều người yêu quý kính trọng đã lặng lẽ ra đi. 

Chiều 6/10/2013, căn biệt thự số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), nơi ông đã và gia đình đang ở mở cửa cho người dân vào viếng. Hàng chục nghìn người dân đã đổ về xếp hàng mong được thấy ông lần cuối. Bốn ngày sau đó, Đảng và Nhà nước tổ chức lễ tang, dòng người từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đổ về càng đông. Họ xếp hàng dài vài km ra tận lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua Hoàng Văn Thụ về Hoàng Diệu. Sự ra đi của tướng Giáp là một sự mất mát quá lớn đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. 

Ngày 13/10/2013, tổ chức tiễn đưa Đại tướng rời Hà Nội vĩnh viễn. Hai bên đường ngay từ sáng sớm, người dân thủ đô đứng hai bên đường chở đoàn xe chở linh cữu Đại tướng đi qua để ra sân bay Nội Bài, trở về với đất mẹ Quảng Bình trong đó có các cựu quân nhân, thương binh, bộ đội. Lẫn trong dòng người đó có cả những cháu bé chỉ mới chí vài tháng tuổi. Nhiều người già hoặc sức khỏe yếu phải ngồi trên xe lăn cũng xếp hai hàng dưới trời nắng nhẹ. Trời nắng nhẹ, không gian trang nghiêm, yên tĩnh nhưng lòng người dậy sóng. Tất cả người dân cùng nghiêng mình kính cẩn tiễn đưa người con ưu tú của dân tộc đi vào cõi vĩnh hằng.

Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo thông cáo sẽ được cử hành từ 16 giờ ngày 13/10/2013 tại Vũng Chùa – Đảo Yến. Nhưng ngay từ sáng sớm từ sân bay Đồng Hới đến nơi bác Giáp sẽ yên nghỉ, hai bên đường người dân cũng xếp hàng giống như ở Hà Nội. Rất nhiều người đeo khăn tang đứng hoặc quỳ lạy bên đường nhưng có lẽ họ cũng chẳng có họ hàng gì với Bác Giáp. 

Ngày 18/7/2024, khi nghe Thông cáo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chiều hôm đó, Đảng, Nhà nước đã trang trọng tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Sao vàng cho Tổng Bí thư tại Bệnh viện Quân y 108. Tự nhiên trong tôi có cảm giác lo lắng như cách đây gần 55 năm. Ngày 20/7/2024. Đảng và Nhà nước ra Thông cáo đặc biệt về Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước và sau ngày tổ chức lễ viếng và ngày tiễn đưa bác Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, lần thứ 3 tôi lại được chứng kiến cảnh người dân Việt Nam thể hiện tình cảm của họ với người mình yêu quý. Tôi cũng buồn nhưng xen vào một chút ưu tư. Năm xưa Bác Giáp xông pha trên chiến trường chống quân xâm lược, năm nay Bác Trọng đứng trên tuyến đầu chống giặc nội xâm. Cuộc chiến chống tham nhũng Bác đang lãnh đạo Đảng, ta kiên quyết thực hiện đã đem lại niềm tin cho toàn thể người dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn gay go ác liệt, giờ Bác cũng đi xa rồi, cuộc chiến sẽ ra sao.

Sau khi Bác Hồ qua đời tôi đã hai lần đến viếng lăng, thăm nhà sàn nơi ở, nơi làm việc của Bác và một lần đến thăm nơi Bác đã sinh ra và lớn lên tại Làng Sen. ở đâu cũng toát lên một sự gần gũi thân thương, dản dị đến nao lòng. 

Nhà Bác Giáp ở 30 Hoàng Diệu, cách không xa Quảng trường Ba Đình lịch sử. Căn biệt thự cổ ẩn mình trên con đường rộng rợp bóng cây xanh. Cổng ra vào, tường, cửa và toàn bộ căn nhà cũ kỹ như phủ đầy rêu phong. Tôi nghe kể lại tường và trần của các căn phòng quét vôi đã từ nhiều năm trước, thể hiện dấu ấn thời gian qua các lớp vôi không bằng phẳng chồng lên nhau. Đồ dùng hàng ngày của gia đình Bác phần lớn đã cũ, sờn qua chuyện một nữ nhà báo đến thăm nhà Đại tướng, khi về nói với con gái mình: “Những đồ dùng trong nhà bác Giáp đơn sơ quá, nghĩ đến những dùng đồ đắt tiền mà nhà mình đang dùng, bỗng dưng mẹ cảm thấy ngượng con ạ”

Nhà bác Trọng ở số 5 phố Thiền Quang, cũng là một biết thự cổ, cũng cũ kỹ rêu phong giống như nhà Bác Giáp. Nhiều lúc tôi nghĩ mãi mà không hiểu được vì sao Bác Hồ vị cha già của dân tộc, Bác Giáp một vị tướng lĩnh tài ba được thế giới công nhận, Bác Trọng là người đứng đầu đất nước. Suôt cuộc đời của họ vì nước vì dân, khi săp ra đi cũng chỉ lo lắng cho người ở lại. Các Bác được người dân hết lòng yêu thương và kính trọng, nhưng khi phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, các Bác sống chỉ ở nhà công vụ, khi ra đi không để lại gì cho mình.

Tôi nghe kể lại chuyện bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể rằng: Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Bác cũng vậy, vì rách nhiều quá nên mọi người định thay áo gối khác nhưng Bác không đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá. Ở Việt Bắc, có một lần Bác đi công tác về muộn. Chú bảo vệ của Bác nói với bà: “Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo”. Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền vội nói với bà: Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa. Câu chuyện bà kể khiến tôi xúc động và thương Bác vô cùng. Bác giản dị và tiết kiệm, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu. Tôi chợt hiểu vì sao người dân Việt Nam gọi bác là: Vị cha già của dân tộc.

Năm xưa trước khi mất, Bác Hồ căn dặn Đảng và Nhà nước: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” và nhắn nhủ: Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Nghe những lời này tôi và toàn thể người dân Việt Nam đã khóc. Đảng và nhân dân đứng trước nỗi đau của toàn dân tộc đã duy nhất một lần phạm lỗi vì không làm đúng lời bác dạy nên lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới to đẹp như hôm nay. Nhưng người dân Việt Nam và những ai trên thế giới khâm phục yêu quý Bác thì vô cùng biết ơn vì lỗi lầm duy nhất đó, để đến hôm nay và mãi mãi về sau, mỗi khi nhớ đến bác có chỗ đến thăm, giống như người con đi xa trở về bên ông bà, cha mẹ.

Ngôi mộ Bác Giáp đơn sơ giản dị nằm ở Vũng Chùa hướng nhìn ra biển, xung quanh cảnh hoang sơ vắng lặng, núi non hùng vĩ. Mộ Bác Trọng cũng vậy nhưng nằm quây quần xung quanh những lão thành cách mạng, những người đã ra đi trước. Nhưng tôi hiểu rằng, dù to lớn như lăng Bác Hồ, dủ nhỏ bé như mộ phần Bác Giáp, Bác Trọng thì vẫn đặt được vào trái tim người dân Việt Nam. 

Tôi rất may mắn được sinh ra trong thời đại Hồ Chí Minh nên tôi hiểu được sự vĩ đại của con người bắt nguồn từ những điều nhỏ bé và vô cùng giản dị. Những người như Bác Hồ, Bác Giáp, Bác Trọng và những người đã và sẽ được dân Việt Nam gọi bằng Bác, dù họ có cống hiến suốt đời vì tổ quốc vì nhân dân và họ là người có nhân cách lớn. Mặc dù được người dân yêu quý kính trọng đến thế nào đi nữa, thì sau khi qua đời và mãi mãi sau này, cũng chỉ được người dân gọi là Bác thôi 

Hôm nay hướng về bàn thờ Bác Hồ, Bác Giáp, Bác Trọng và những người đã được người Việt Nam gọi là những người con của dân tộc. Tôi thầm khấn rằng. Ở nơi xa, xin các Bác hãy yên lòng. Toàn Đảng và toàn dân Việt Nam, luôn nhớ và giữ đúng những lời hứa với Bác Hồ năm xưa. Vẫn nhớ lời dạy và luôn trung thành đi theo con đường mà Bác Hồ đã chỉ dạy. Đạo đức trong sáng, cuộc đời giản dị, tình cảm và ý thức trách nhiệm với tổ quốc và nhân dân dân của các bác sẽ là tấm gương soi đường chỉ lối cho tổ quốc Việt Nam, ổn định và ngày càng phát triển. Đất nước Việt Nam sẽ sánh vai với các cường quốc Năm châu, đúng như mong ước của Bác Hồ năm xưa.

Thắp một nén tâm nhang, tôi cũng giống như toàn thể người dân Việt Nam, kính cẩn nghiêng mình.

Nha Trang, ngày 27/7/2024

Trần Thanh Giang

Một số hình ảnh

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng

(ĐCSVN) – Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho biết, Việt Nam đón gần 1,3 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 9/2024. Tính chung 9 …

07-10-2024

Khai mạc “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”

(ĐCSVN) – Nhân kỷ dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu …

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khắc phục hậu quả bão lũ, giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%

(ĐCSVN) – Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn …

16-09-2024

Xuất cấp lương thực, vật tư, trang thiết bị, hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương

(ĐCSVN) – Ngày 15/9/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký các quyết định xuất cấp lương thực, vật tư, trang thiết bị, hóa chất khử khuẩn …

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình truyền hình trực tiếp “Điểm tựa Việt Nam”

(ĐCSVN) – Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi đồng bào, đồng chí “làm việc bằng hai”, “làm ngày không đủ tranh thủ …

Việt Nam khẳng định chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm

(ĐCSVN) – Trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái …

14-09-2024