CHÁU TÔI ĐI CHÚC TẾT
Tôi có đứa cháu nội năm nay mới 6 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh, một năm ông bà chỉ gặp cháu được một lần vào dịp tết Nguyên đán cháu về Nha Trang chơi. Khi ông bà dắt cháu đi chúc tết họ hàng, bạn bè thì cháu đều được lì xì. Cháu còn nhỏ chưa biết mệnh giá của tiền bạc và cũng không biết tiêu tiền, nhận phong bì xong cháu đưa cho ông bà, cha mẹ hoặc nếu đang chơi thì để lẫn ngay vào đống đồ chơi và không quan tâm gì đến những phong bì lì xì nữa.
Năm nay ông bà rất vui khi cháu về chơi vì thấy cháu khỏe mạnh thông minh lanh lợi, đặc biệt cháu được cô giáo mầm non dạy một bài thơ về nội dung chúc mừng năm mới rất dài, trong đó có câu kết: Cháu chúc ông bà mạnh khỏe sống lâu trăm tuổi. Ông bà hãy nhớ lì xì cháu nhé để cháu lấy hên. Vậy là mấy ngày ông bà hoặc cha mẹ đi chúc tết có dẫn cháu đi theo hoặc sau ngày tết có người đến nhà chơi, hoặc đến nhà ông bà có việc riêng thì cứ gặp bất cứ ai thì cháu đều khoanh tay chào và đọc bài thơ đó. Điều đáng nói là trong những người cháu gặp thì đủ lứa tuổi, người đáng tuổi ông bà, cô chú, thậm chí có người chỉ là vai anh chị của cháu đều được nghe bài thơ của cô giáo đã dạy cháu. Vậy là mấy ngày trong tết và sau ngày tết rất nhiều lần ông bà và cha mẹ bị muối mặt và không biết xử lý như thế nào khi nghe cháu đọc bài thơ chúc tết mọi người, còn những người đến nhà ông bà vì công việc thì lúng túng và khó xử vì bị bất ngờ.
Lì xì là một trong những nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam từ xưa đến nay. Ý nghĩa của phong tục lì xì thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn cho những người mình thương yêu. Cô giáo có ý định tốt khi dạy cháu bài thơ như vậy với mong muốn các cháu biết cách thể hiện lòng biết ơn, biết cách chúc phúc và sức khỏe cho cha mẹ, ông bà, nhưng cô chưa suy nghĩ thấu đáo đến kết quả cũng như hậu quả khi bài thơ nếu không được áp dụng đúng nơi, đúng đối tượng và hoàn cảnh.
Việc giáo dục cho lứa tuổi mầm non và học sinh hiểu về tình cảm gia đình, cách đối nhân xử thế và hiểu về ý nghĩa cuộc sống theo chuẩn mực đạo đức, phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam rất khó vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này, thiết nghĩ các thầy cô giáo cũng như người làm cha làm mẹ nên hết sức thận trọng và phải có phương pháp khoa học trong trong việc giáo dục trẻ em ngay từ khi tuổi còn thơ.
BBT. Trần Thanh Giang