Ảnh minh hoạ (Ảnh: Thanh Hải) |
* Bảo tồn gắn với tạo sinh kế
Khu Dự trữ sinh quyển là khái niệm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra năm 1971, nhằm công nhận và thiết lập các khu vực rộng lớn có cảnh quan thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, văn hóa cao. Đây là “nơi học tập để phát triển bền vững”, nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội; là mô hình bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội bền vững.bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ, đã có rất nhiều sáng kiến, mô hình thành công trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được triển khai và nhân rộng trên khắp các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ với mô hình khôi phục hệ sinh thái thành công đã được thế giới đánh giá cao. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có mô hình bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp văn hóa, lịch sử truyền thống. Sau khi tham gia Mạng lưới Khu Dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang đã chủ động thành lập Khu Bảo tồn loài và Sinh cảnh Phú Mỹ (thuộc tỉnh Kiên Giang), vừa góp phần gia tăng hiệu quả bảo tồn, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tây Nghệ An là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới có sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành vi của cán bộ tới người dân. Điều này được khẳng định ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Cát Bà và Cà Mau. Hai Khu Dự trữ sinh quyển thế giới mới thành lập là Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng khắc phục khó khăn triển khai bảo tồn đa dạng sinh học gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa…
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam cho rằng, để duy trì các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới lâu dài, bền vững, điều tiên quyết là tạo sinh kế cho người dân trong khu vực. Hiện thực hóa điều này, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tích cực phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc triển khai Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển ở Việt Nam”.
Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt từ năm 2019. Trong 5 năm, dự án đặt mục tiêu quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và lồng ghép hiệu quả các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, cụ thể là các Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm -Hội An và Đồng Nai. Đồng thời dự án ưu tiên phục hồi 4.000 ha rừng bị suy thoái và quản lý bền vững 60.000 ha các khu vực dành riêng (là các khu vực nằm ngoài Khu bảo tồn, có giá trị cao về đa dạng sinh học).
Theo đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, đến nay, khoảng 1,22 triệu ha rừng đang được quản lý bảo vệ tại 3 Khu Dự trữ sinh quyển thông qua hoạt động phục hồi và quản lý bảo vệ, xây dựng, thực hiện Kế hoạch Quản lý bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyển. Các mô hình sinh kế được triển khai trên địa bàn 3 Khu Dự trữ sinh quyển đem lại thu nhập ổn định cho gần 11 nghìn người, vượt mục tiêu đề ra. Các mô hình đều đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường như phục tráng rừng Mét suy thoái; trồng và chăm sóc cây Bon Bo, chè Hoa Vàng và cây Lùng; mô hình nông nghiệp sinh thái, du lịch học tập cộng đồng… Khoảng hơn 2.600 gia đình tăng thu nhập và đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
* Xây dựng chính sách và khung pháp lý
Để bảo vệ và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí cho rằng cần có sự hỗ trợ và hợp tác đa phương từ cấp chính phủ và cộng đồng. Quy định và chính sách bảo vệ môi trường, quản lý và giám sát chặt chẽ, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, tạo nhận thức và giáo dục, cùng với hợp tác đa phương, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển khu dự trữ sinh quyển. Việt Nam cần tăng cường những nỗ lực này để đảm bảo bảo vệ và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực xây dựng các chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Quy định về Khu Dự trữ sinh quyển đã được thể chế hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật.
Ba Khu Dự trữ sinh quyển của Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” đã hoàn thành Kế hoạch quản lý 5 năm tới và đang xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyển. Dự kiến trong năm 2024, dự án sẽ xây dựng hồ sơ đề cử cho ít nhất một Khu Dự trữ sinh quyển mới. Dự án tiếp tục thúc đẩy quá trình hoàn thiện và trình phê duyệt các hướng dẫn, quy chế, kế hoạch quản lý tại tại các khu dự trữ sinh quyển; quản lý rừng bền vững và phục hồi các khu vực rừng bị suy thoái; sử dụng tài nguyên bền vững, hỗ trợ sinh kế cho người dân tại khu vực dành riêng cũng như cộng đồng tại Khu Dự trữ sinh quyển; đào tạo, truyền thông và nâng cao nhận thức tại các khu dự trữ sinh quyển…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hướng dẫn lập Kế hoạch quản lý Khu Dự trữ sinh quyển tích hợp quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và Hướng dẫn áp dụng đánh giá tác động đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường tại các Khu Dự trữ sinh quyển, dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới.
Năm 2024, Bộ cùng Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc và các địa phương thúc đẩy quá trình hoàn thiện và trình phê duyệt các hướng dẫn, quy chế, kế hoạch quản lý tại các Khu Dự trữ sinh quyển. Những mô hình, bài học thành công sẽ được tổng hợp và nhân rộng để nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam./.