Thời điểm 1991-1994, Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng Biên tập Báo QĐND nghỉ hưu sang làm Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Ông kiêm cả chức Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo. Lúc bấy giờ Hội Nhà báo Việt Nam chỉ có 1 tờ Tạp chí Người Làm Báo, khuôn khổ 19cm x 28cm, xuất bản hàng tháng.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Biên tập Thiếu tướng Trần Công Mân, một nhà báo lão luyện, bản lĩnh uy tín, rất đông các phóng viên, nhà báo ở Thông tấn xã Việt Nam, Báo QĐND và nhiều cơ quan báo chí khác tham gia cộng tác với Tạp chí Người Làm Báo. Tôi cũng nằm trong số đó.
Trong một lần Ông Trần Công Mân vào miền Nam công tác ở Ban Đại diện Báo QĐND tại 63 Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM. Vào một buổi chiều sau giờ làm việc, tôi và một số anh em rủ nhau lên phòng thăm Ông.
Khi nói chuyện về làm Tạp chí Người Làm Báo, Ông nhấn mạnh về tôn chỉ mục đích của tạp chí Người Làm Báo phải thật sự là một ấn phẩm tiêu biểu về nghiệp vụ báo chí, có tính lý luận và thực tiễn sắc bén, …
Nhân lúc Ông vừa dứt lời, tôi liền đưa ra một ý kiến:
– Chú ạ, nếu có thể đổi tên Tạp chí Người Làm Báo là Nhà báo và Công luận cho gần với chức năng nhiệm vụ và thời sự được không ạ? Tôi thường gọi Thiếu tướng Trần Công Mân là Chú Mân.
Lúc đó có cả Ông Đoàn Thanh Dục đang phụ trách trị sự của tạp chí Người Làm Báo.
Nghe tôi nói vậy Ông Trần Công Mân xoay người nhìn sang tôi với ánh mắt sáng nhân từ đôn hậu. Lúc đó trong phòng mấy người có mặt đều tán thành ý kiến lấy tên Tạp chí Nhà báo và Công luận.
Thời gian sau này Ông Trần Mai Hạnh, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nghỉ hưu về Hội Nhà báo Việt Nam thay Ông Trần Công Mân. Và Ông Khánh Toàn, Trưởng Ban phát thanh QĐND về làm Tạp chí Người Làm Báo (lúc này đã đổi tên là Tạp chí Nhà báo và Công luận).
Hiện nay Hội Nhà báo Việt Nam có 1 tờ Tạp chí Người Làm Báo, và 1 tờ Báo Nhà báo và Công luận.