VÌ SAO NGƯỜI LAO ĐỘNG RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI

Tác giả: Thanh Giang

 Bảo đảm an sinh xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, đồng thời là điều kiện tiên quyết đối với sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia trên thế giới. Thực tế diễn ra trên thế giới cho thấy BHXH có vai trò rất to lớn đối với đời sống kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng, nó góp phần làm cho đất nước ổn định và phát triển.

Luật bảo hiểm xã hội đã nêu rõ:” Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Mặc dù mục đích của BHXH mang tính nhân văn và phần lớn người dân đều hiểu nhưng vì sao hiện tượng người lao động rút BHXH một lần lại ngày càng tăng. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, “giai đoạn 2016-2021, đã có hơn 4,59 triệu người hưởng BHXH một lần, trung bình cứ 2 người tham gia BHXH có 1 người rút một lần và năm sau luôn cao hơn năm trước”.

Tình trạng rút BHXH ngày càng tăng có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân: người lao động thiếu hoặc mất việc làm, không có thu nhập để duy trì cuộc sống, cũng có thể do cần ngay một số tiền lớn để giải quyết những nhu cầu cấp bách, bên cạnh đó Luật BHXH cho phép người lao động rút BHXH một lần và cách tính mức hưởng đã vô tình khuyến khích người đóng bảo hiểm bắt buộc rút BHXH một lần. Vì vậy việc ngày càng có nhiều người lao động đóng BHXH bắt buộc rút BHXH một lần cũng là dễ hiểu.

1. Luật bảo hiểm xã hội khuyến khích người tham gia bảo hiểm bắt buộc rút bảo hiểm xã hội một lần

Để làm rõ vấn đề này có thể thông qua việc phân tích ví dụ sau: giả sử tiền lương hoặc thu nhập hàng tháng đăng ký đóng bảo hiểm xã hội của ông A (đối tượng đóng BHXH bắt buộc) và ông B (đối tượng đóng BHXH tự nguyện) đều là 10.000.000đồng/tháng (cố định từ khi bắt đầu đóng BHXH đến khi rút một lần theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội). Đối tượng BHXH tự nguyện là lao động khác (không phải người nghèo hoặc cận nghèo), người sử dụng lao động phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20% (năm 2023) thì mức đóng cụ thể như sau:

a) Đối tượng đóng BHXH bắt buộc:

– Doanh nghiệp: 21,5% x 10.000.000đ = 2.150.000 đồng/tháng

– Ông A:            10,5% x 10.000.000đ =  1.050.000 đồng/tháng

– Ông A phải đóng một năm là: 1.050.000đ x 12 tháng = 12.600.000 đồng/năm

– Ông A rút một lần thì một năm sẽ được hưởng

+ Nếu đóng BHXH trước năm 2014 là:

10.000.000đ/tháng x 1,5 = 15.000.000 đồng/năm (tăng 19,05% so với số tiền ông B đã đóng trong một năm)

+ Nếu đóng BHXH từ năm 2014 về sau là:

10.000.000đ/tháng x 2 = 20.000.000 đồng/năm (tăng 58,73% so với số tiền ông B đã đóng trong một năm)

b) Đối tượng đóng BHXH tự nguyện:

– Ông B:           22,5% x 10.000.000 đ – 33.000đ=  2.167.000 đồng/tháng

– Ông B phải đóng một năm là: 2.167.000đ x 12 tháng = 26.004.000 đồng/năm

– Ông B rút một lần thì sẽ được hưởng (giống ông A)

+ Nếu đóng BHXH trước năm 2014 là: 15.000.000 đồng/năm (giảm 42,32% so với số tiền ông B đã đóng trong một năm)

+ Nếu đóng BHXH từ năm 2014 về sau là: 20.000.000 đồng/năm (giảm 23,09% so với số tiền ông B đã đóng trong một năm)

Qua ví dụ trên có thể thấy mặc dù Luật BHXH không có quy định Nhà nước hỗ trợ đối tượng đóng BHXH bắt buộc, nhưng khi người sử dụng lao động đóng 21% tiền lương cho quỹ BHXH (không vượt mức quy định của Luật BHXH) thì số tiền này được tính vào chi phí sản xuất theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Thuế thu nhập doanh nghiệp và Khoản 3 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính. Vì vậy thực chất hiện nay Nhà nước đang hỗ trợ doanh nghiệp 20% đến 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (tuỳ từng loại hình doanh nghiệp) trong số tiền của 21,5% mức đóng BHXH của  người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ BHXH. Nếu so sánh với tổng mức BHXH hàng tháng của đối tượng BHXH bắt buộc thì nhà nước đã hỗ trợ 13,4% (theo ví dụ trên) số tiền đóng BHXH hàng tháng cho người sử dụng lao động.

Cũng theo ví dụ trên, khi rút BHXH một lần thì ông A sẽ được lĩnh số tiền cao hơn số tiền do ông A đóng BHXH hàng năm từ 19,05% (nếu đóng BHXH từ năm 2014 về trước) đến 58,73% (nếu đóng  BHXH từ năm 2014 trở về sau) mà không bị trừ lại số tiền Nhà nước đã hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp trong số tiền 21,5% mà doanh nghiệp đã đóng vào quỹ BHXH.

Nếu lấy tổng số tiền đóng BHXH của số người đã rút BHXH một lần nhân với 21,5% nhân với 20% thuế thu nhập doanh nghiệp (chưa kể những doanh nghiệp có thuế suất cao hơn) thì sẽ ra tổng số tiền ngân sách bị thiệt hại do không thu lại số tiền đã hỗ trợ doanh nghiệp đóng vào quỹ BHXH. Nếu người đóng bảo hiểm bắt buộc có thời gian đóng BHXH càng dài, tiền lương đăng ký đóng BHXH theo thời gian càng tăng lên thì Ngân sách Nhà nước thiệt hại ngày càng lớn khi người đóng BHXH bắt buộc rút một lần. Chính vì tổng số tiền nhận được nhiều hơn tổng số tiền phải đóng BHXH nên đã khuyến khích Người lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc tìm mọi cách rút BHXH một lần.

2. Luật bảo hiểm xã không công bằng đối với người tham gia bảo hiểm tự nguyện.

Người đóng BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ ít hơn so với BHXH bắt buộc và chỉ được hỗ trợ trong vòng 10 năm, còn người đóng bảo hiểm bắt buộc được Nhà nước hỗ trợ số tiền nhiều hơn và kéo dài suốt thời gian từ khi bắt đầu đóng BHXH đến khi nhận BHXH một lần hoặc nghỉ hưu.

Người đóng BHXH tự nguyện đóng 22% mức thu nhập so với 32% của đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc bằng 68,75% so với người tham gia bảo hiểm bắt buộc nhưng không được hưởng các chế độ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản và chế độ tiền tuất hàng tháng dù chỉ bằng 68,75% so với Người đóng bảo hiểm bắt buộc. Đây là một điều không công bằng.

Bên cạnh đó Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần có quy định tổng số tiền trả cho Người đóng BHXH tự nguyện khi rút BHXH một lần thấp hơn rất nhiều so với tổng số tiền họ đã đóng vào quỹ BHXH. Như vậy thời gian đóng BHXH càng dài, nếu đăng ký mức thu nhập để đóng BHXH càng cao thì càng thiệt hại nếu phải rút BHXH một lần hoặc phải hưởng tiền tuất một lần.

Về tâm lý, người lao động coi việc đóng BHXH như một cách gửi tiền tiết kiệm. Nếu gửi vào ngân hàng thì sẽ được hưởng lãi suất (dù không lớn), nhưng khi cần có thể rút ra làm việc khác không mất đồng nào, ngược lại nếu đóng BHXH thì theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì Người đóng BHXH tự nguyện đã không được hưởng lãi suất, việc rút BHXH khó khăn do thủ tục và còn bị thiệt hại (mât tiền). Chính quy định này sẽ gây tâm lý lo lắng cho người lao động đóng BHXH tự nguyện nếu chẳng may không còn sống mà có thân nhân còn phải nuôi dưỡng, nên  không khuyến khích người dân người đóng BHXH tự nguyện.

Nhật Bản là nước cũng có quy định rất chặt chẽ về điều kiện được rút BHXH một lần tương tự ở Việt Nam, tuy nhiên nếu người lao động có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì sẽ được rút toàn bộ số tiền đã đóng vào quỹ BHXH.

3. Luật bảo hiểm xã hội không cho phép người tham gia bảo hiểm bắt buộc được đóng thêm BHXH tự nguyện để cải thiện điều kiện sống khi đến tuổi nghỉ hưu.

Hiện nay phần lớn người sử dụng lao động tìm cách đăng ký mức đóng BHXH hàng tháng cho người lao động thấp hơn so với thu nhập thực tế để giảm số tiền phải đóng BHXH của doanh nghiệp và tăng lợi nhuận nên khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ phải hưởng mức lương thấp. Trên thực tế cũng có những người lao động muốn đóng BHXH bằng đúng thu nhập thực tế hoặc cao hơn thu nhập để có thể giảm bớt khó khăn khi nghỉ hưu. Nhưng điều bất hợp lý là mặc dù mong muốn quỹ BHXH ngày càng phát triển để thực hiện mục đích đảm bảo an sinh xã hội, để người nghỉ hưu có thể có mức thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, nhưng Luật BHXH lại không cho phép Người đóng bảo hiểm bắt buộc đóng bổ sung BHXH tự nguyện (khoản 4 Điều 2 Luật BHXHq).

Để khuyến khích người dân tham gia BHXH, đảm bảo quỹ BHXH ngày càng ổn định và phát triển, ngành BHXH cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung luật BHXH theo hướng:

– Bãi bỏ điểm a khoản 1 Điều 60 và điểm a khoản 1 Điều 77 của Luật BHXH. Trường hợp giữ nguyên thì sửa Luật BHXH theo hướng khi người đóng BHXH bắt buộc muốn rút BHXH một lần thì phải trừ lại số tiền Nhà nước đã hỗ trợ trong 21,5% mà người sử dụng lao động đã đóng vào quỹ BHXH (số tiền được tính vào chi phí sản xuất nên đã được trừ lại trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp), đồng thời cho phép người đóng BHXH tự nguyện được rút toàn bộ số tiền đã đóng vào quỹ BHXH nếu thực hiện rút BHXH một lần theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

– Cách tốt nhất là bãi bỏ điểm a khoản 1 Điều 60 và điểm a khoản 1 Điều 77 của Luật BHXH, cho phép cả hai đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc và đóng BHXH tự nguyện nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì được phép nhận lại toàn bộ số tiền đã đóng vào quỹ BHXH khi muốn rút BHXH một lần.

– Cho phép Người đóng BHXH tự nguyện được hưởng các chế độ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản và chế độ tiền tuất hàng tháng theo tỷ lệ ít nhất bằng 60% so với Người tham gia bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo sự công bằng giữa hai đối tượng tham gia BHXH.

– Cho phép Người tham gia bảo hiểm bắt buộc được đóng thêm bảo hiểm tự nguyện để có thu nhập cao hơn khi về hưu nhằm cải thiện mức sống.

Ngoài các nội dung sửa đổi, bổ sung nói trên, Nhà nước cần đề ra các chính sách đồng bộ để hỗ trợ người lao động về việc làm và thu nhập, có như vậy mới khuyến khích người dân tham gia đóng BHXH và hạn chế việc người lao động rút BHXH một lần.

                                               NGƯỜI ĐĂNG BÀI VIẾT: P.BB TVEL – HOÀI NAM

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nổi bật
Liên hệ
Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần xung kích, gương mẫu

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần xung kích, gương mẫu

(ĐCSVN) – Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các hội viên Hội Cựu chiến binh …

22-12-2024

Nổi bật
Liên hệ
Ấm áp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Hòa Phú

Ấm áp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Hòa Phú

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024), thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà …

17-11-2024

Nổi bật
Liên hệ
Nhiều hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Trường Sa

Nhiều hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Trường Sa

(ĐCSVN) – Hướng tới chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, Hội Phụ nữ Lữ đoàn và Hội …

21-10-2024

Nổi bật
Liên hệ
Quyền được lựa chọn!

Quyền được lựa chọn!

(ĐCSVN) – Ngày 20/10 không chỉ là một ngày đặc biệt của phụ nữ Việt Nam, mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại và suy ngẫm …