Bảo tồn và phát huy giá trị di sản di tích tiêu biểu thời kỳ Chămpa trên đất Khánh Hoà

(Từ đầu Công nguyên đến năm 1653)

 (Kỷ niệm Khánh Hoà 370 năm, 1653 – 2023)

Nguyễn Văn Thích

Kể từ đầu Công nguyên (năm 192) đến năm 1832, vương quốc cổ Chămpa đã hình thành từ một số tên gọi, như: Hồ Tôn, Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành rồi đến Thuận Thành, tồn tại và phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm. Trong đó, thời kỳ hợp nhất tiểu quốc Bắc Chăm và Nam Chăm thành Hoàn Vương quốc (vào năm 757, gọi là Panduranga) cho đến khi hợp nhất các tiểu quốc khác trong khu vực, thành lập nước Chiêm Thành và kết thúc vào thế kỷ thứ XV (1471) thì lãnh thổ Chămpa rộng nhất, bao gồm cả Miền Trung và một phần Tây Nguyên Việt Nam; dấu tích hiện nay chúng ta còn nhận diện được thông qua hệ thống di tích đền tháp Chămpa còn bảo lưu trong khu vực. Theo dòng lịch sử được ghi trên bia ký, vùng đất Khánh Hoà hiện nay là xứ Kauthara là xứ Bắc, gồm có Khánh Hoà và Phú Yên, thuộc tiểu quốc Nam Chăm (từ Phú Yên vào đến Bình Thuận)

Ngày nay, di tích Chămpa là những di sản văn hoá quý giá còn được bảo tồn trên cả khu vực Miền Trung và ven Tây Nguyên. Đặc biệt, trên địa phận tỉnh Khánh Hoà có nhiều di tích trải rộng trong phạm vi toàn tỉnh; trong số đó có những di sản di tích lịch sử quý giá, tiêu biểu như sau:

I.- Những di tích tiêu biểu thời kỳ Chămpa trên đất Khánh Hoà:

1/ Bia Võ Cạnh: Toạ lạc tại xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang. Nơi đây đã từng có một khối bia đá cổ (nay là bảo vật quốc gia, đặt tại Bảo tàng Việt Nam tại Hà Nội), được nhà khảo cổ người Pháp A. Aymonyer tìm thấy tại làng Võ Cạnh (nên gọi Bia Võ Cạnh), có niên đại vào khoảng thế kỷ III – IV sau Công nguyên. Nội dung bia nói về dòng dõi triều vua đầu tiên của tiểu quốc Nam Chăm là vua Sri Mara và cũng như vai trò của văn hoá và văn minh Ấn Độ tại vương quốc này. Bia Võ Cạnh được đánh giá là tấm bia viết bằng chữ Phạn (Sanskrit) cổ nhất Đông Nam Á. Tại Bảo tàng Khánh Hoà hiện nay có một phiên bản Bia Võ Cạnh được phục chế, trưng bày.

                  

2/ Bia Lệ Cam: Có hai bia: Lệ Cam I và Lệ Cam II, toạ lạc gần bên bờ biển đầm Nha Phu, thuộc thôn Lệ Cam, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hoà.

-Bia Lệ Cam I: Là một khối đá tự nhiên, có hình trụ nằm giữa lòng suối gần biển, trông giống như một Linga nhỏ. Trên bề mặt khối đá có hai dòng chữ Phạn (Sanskrit) nên dân gian gọi đó là hòn Đá Chữ, nội dung như sau:

“Kính lạy Siva,

(Vua) Sri Prakasadharamma.

(Tặng phẩm của) chiến thắng”

Cho ta biết việc thống nhất các tiểu quốc Bắc Chăm và Nam Chăm đến tận xứ Kauthara trong thời kỳ này.

Chuyên gia EFEO (Viện Viễn Đông Bát Cổ)

         khảo sát Bia Lệ Cam I                  

               

Ảnh: N.V. Thích

  -Bia Lệ Cam II: Người dân địa phương gọi nơi này là Động Hoa Lan (nằm cách bia Lệ Cam I khoảng 1 km về phía Nam). Bia là một khối đá lớn nằm trước một hang động nhỏ bao bọc xung quanh bởi những khối đá sa thạch tự nhiên; trên bề mặt khối đá có hai dòng chữ Phạn (Sanskrit), niên đại vào năm 977 saka (là năm 1055 sau Công nguyên). Khu vực này gần biển, núi và suối, có nhiều hoa lan rừng nên suối ở đây có tên suối Hoa Lan và hang đá ở đây gọi là Động Hoa Lan. Nội dung bia như sau:

“Năm saka 977 (dưới thời) vua Sri Paramesvaravarmmadeva, hang động này đã được tu bổ”.

Hiện nay Khu du lịch Suối Hoa Lan quan tâm tôn tạo cảnh quan bên ngoài hang động phục vụ tham quan du lịch.

 

Chuyên gia EFEO (Viện Viễn Đông Bát Cổ)

khảo sát bia Lệ Cam II bên động Hoa Lan

                  

 

 

                                                                        Ảnh: N.V. Thích

3/ Bia Cam Thịnh Đông: Phát hiện vào năm 1997 tại thôn Hoà Diêm, xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh. Cả hai bia là khối đá granit bị gãy phần trên đầu bia. Bia thứ nhất có 9 dòng chữ viết theo chiều ngang. Bia thứ hai còn lại phần dưới có 2 dòng chữ. Cả hai bia đều viết bằng 2 loại chữ: Chữ Phạn và chữ Chăm cổ, vào khoảng thế kỷ XV, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Khánh Hoà.

4/ Di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang: Đây là quần thể di tích tín ngưỡng tôn giáo Chămpa có niên đại từ nửa cuối thế kỷ VIII đến cuối thế kỷ XIII. Riêng những công trình còn lại hiện nay gồm cụm kiến trúc công đình Mandapa và 4 ngôi tháp, có niên đại từ khoảng giữa thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII còn được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh nhất về qui mô kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt, hệ thống những tượng điêu khắc trên đá, tường gạch và gỗ quý; hệ thống bia ký chữ Sanskrit khắc trên trụ đá và ngưỡng của các tháp và tường gạch… Tất cả những yếu tố đặc sắc nêu trên là những kiệt tác nghệ thuật điêu khác Chămpa tiêu biểu trên đất nước ta.

Ngoài ra, Tháp Bà có thể được ví như là biểu tượng đặc sắc của sự giao thoa văn hoá tín ngưỡng tôn giáo Ấn Độ giáo, Chămpa, Việt Nam cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên vùng đất Khánh Hoà, cũng như cả khu vực Miền Trung và Tây Nguyên…; với tục thờ Nữ thần Ponagar (Bà Mẹ xứ sở Chămpa) cũng là Thiên Y Thánh Mẫu (của cộng đồng dân tộc Việt Nam), thông qua những hoạt động lễ hội, lễ cúng và văn hoá dân gian đặc sắc hàng năm.

Hiện nay, di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang là một trong những địa điểm phát huy giá trị trong phục vụ du lịch và nghiên cứu  khoa học lịch sử, văn hoá, giáo dục…

Quần thể 4 di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang

Tháp chính và công đình Mandapa Tháp Bà Ponagar Nha Trang

II.- Một số đề xuất bảo tồn và phát huy giá trị di sản di tích lịch sử và văn hoá Chămpa:

Từ giá trị của những di tích lịch sử và văn hoá Chămpa tiêu biểu nêu trên, chúng ta cần nên quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, như sau:

1/ Đối với di tích Bia Võ Cạnh: Đây là bảo vật quốc gia. Theo người dân địa phương chỉ dẫn, bia nằm trên một gò đất ruộng tại thôn Võ Cạnh, gần khu vực nhà thờ Bình Cang; cần xác định chính xác địa điểm phát hiện Bia Võ Cạnh tại xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, quy hoạch một khuôn viên đất; phục chế lại một phiên bản bia Võ Cạnh dựng lại bia tại địa điểm di tích gốc; tôn tạo cảnh quan để phát huy giá trị, phục vụ tham quan du lịch và nghiên cứu, học tập…

2/  Đối với Bia Lệ Cam I và Lệ Cam II: Cần nên tiến hành xếp hạng di tích, khoanh vùng bảo vệ khu vực bảo vệ I và bảo vệ II cho mỗi địa điểm; tôn tạo cảnh quan cho từng di tích theo qui định của Luật Di sản văn hoá. Đồng thời, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương và chủ sở hữu đất đai có di tích quản lý, cam kết bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá theo luật định; nhất là trong phát huy giá trị phục vụ cộng đồng tham quan, du lịch, nghiên cứu, học tập, giáo dục…

3/ Đối với di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang: Về cơ bản, nhiều năm qua đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo, phát huy tích cực giá trị để phục vụ tín ngưỡng nhân dân, nghiên cứu học tập, giáo dục và tham quan du lịch cho du khách. Tuy vậy, cũng cần nên hết sức quan tâm đến kỹ thuật trùng tu, tôn tạo theo đúng qui định của Luật Di sản văn hoá trong kỹ thuật phục chế, phục dựng, phải đảm bảo độ chính xác tối đa về tính nghệ thuật, kỹ thuật của kiến trúc và hiện vật gốc; Đặc biệt, trùng tu kiến trúc tháp cổ và hệ thống tượng điêu khắc… ; cần hết sức trân trọng bảo tồn nguyên kết cấu di tích gốc, hạn chế tối đa làm mới di tích.

+ Ngoài ra, những địa điểm có di tích Chămpa cũng cần nên xác định, lập bia di tích lưu niệm, thông tin giá trị di tích và giải mã những nội dung bia ký chữ Phạn (Sanskarit).

+ Cần thiết nên mở tuyến tham quan nghiên cứu, học tập lịch sử – văn hoá Chămpa, kết hợp tham quan du lịch như:

-Tuyến “Tam giác vàng di sản văn hóa tín ngưỡng tâm linh Thiên Y Thánh Mẫu”: Theo truyền thuyết dân gian, bao gồm 3 địa điểm di tích: – Am Chúa, Diên Điền, Diên Khánh (nơi Bà Thiên Y giáng trần) – Chùa Suối Đổ, Diên Toàn, Diên Khánh (cảnh tiên, nơi Bà Thiên Y ngao du vãng cảnh) – Tháp Bà Ponagar Nha Trang (nơi Bà Thiên Y thăng thiên).

Tuyến này có giá trị rất đặc biệt về sự giao thoa văn hoá tín ngưỡng tôn giáo Chăm – Việt và cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; nhất là trong mùa Lễ hội Thiên Y Thánh Mẫu, khởi đầu từ Tháng Ba Âm lịch hàng năm.

-Tuyến “Di tích Bia ký, kiến trúc nghệ thuật Chămpa”: – Bia Võ Cạnh, Vĩnh Trung, Nha Trang – Tháp Bà Ponagar Nha Trang – Bia Lệ Cam I và Lệ Cam II, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hoà.

So với những di sản di tích cổ từ thời kỳ Tiền – Sơ sử cho đến thời kỳ Chămpa thì di tích thời kỳ Chămpa đã và đang bảo tồn và phát huy giá trị rất có hiệu quả trên vùng đất Khánh Hoà hiện nay; do vậy, nếu được sự quan tâm, những di sản này sẽ là những địa chỉ đỏ góp phần nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục khoa học lịch sử và phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà.

          Tác giả:  NGUYỄN VĂN THÍCH

Người đăng bài viết: LÊ HOÀI NAM

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nổi bật
Liên hệ
Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần xung kích, gương mẫu

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần xung kích, gương mẫu

(ĐCSVN) – Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các hội viên Hội Cựu chiến binh …

22-12-2024

Nổi bật
Liên hệ
Ấm áp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Hòa Phú

Ấm áp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Hòa Phú

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024), thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà …

17-11-2024

Nổi bật
Liên hệ
Nhiều hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Trường Sa

Nhiều hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Trường Sa

(ĐCSVN) – Hướng tới chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, Hội Phụ nữ Lữ đoàn và Hội …

21-10-2024

Nổi bật
Liên hệ
Quyền được lựa chọn!

Quyền được lựa chọn!

(ĐCSVN) – Ngày 20/10 không chỉ là một ngày đặc biệt của phụ nữ Việt Nam, mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại và suy ngẫm …