Một số vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử tiêu biểu thời Tiền – Sơ sử tại Khánh Hoà

(Nhân dịp kỷ niệm Khánh Hoà 370 năm 1653 – 2023)

                                                                               Nguyễn Văn Thích

          I.- Lời mở đầu:

Trong phần mở đầu, Luật Di sản Văn hoá của Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2001đã xác định: “Di sản văn hoá là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta…”.

Di sản thuộc về di tích lịch sử là một bộ phận rất quan trọng trong số những loại hình di sản hợp thành di sản văn hoá, có ý nghĩa sâu sắc trong sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ đất nước; nhất là trong thời kỳ mới. Trong đó, có một phần đóng góp của cư dân trên vùng đất Khánh Hoà cùng nhân dân cả nước tạo dựng nên từ khi có sự sống của con người, qua quá trình thăng trầm của những thời kỳ, những giai đoạn lịch sử mà dấu tích còn bảo lưu cho đến ngày nay. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử đối với dân tộc ta và từng địa phương, trong đó có tỉnh Khánh hoà là việc làm hết sức cần thiết hiện nay. Đồng thời, việc làm này cũng hết sức ý nghĩa để thể hiện lòng tri ân với lịch sử, với tiền nhân đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và xương máu trên mỗi vùng đất để tạo dựng nên cuộc sống sinh tồn và trải qua biết bao biến thiên của lịch sử dựng nước và giữ nước trên từng tấc đất, để bảo vệ nền độc lập dân tộc và bảo toàn sự sống cho cộng đồng cư dân. Với tấm lòng và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, một bản sắc văn hoá cực kỳ tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà chúng ta cần nên thể hiện trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên vùng đất Khánh Hoà, như là lời tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với tiền nhân của lịch sử vậy.

Đối với người Việt chúng ta, vùng đất Khánh Hoà có bề dày lịch sử với mốc thời gian đến nay là 370 năm, kể từ năm 1653 theo chân Chúa Nguyễn đến vùng đất này khai mở, lập Dinh Thái Khang (tiền thân tỉnh Khánh Hoà ngày nay) có khiêm tốn so với bề dày lịch sử 4.000 năm văn hiến của dân tộc. Song, với bản chất giá trị văn hoá của người Việt, cho dù đi đến nơi đâu, khai hoang vỡ hoá, mưu cầu sự sống… cũng đều tỏ lòng kính trọng, biết ơn quá khứ của lịch sử sự sống của con người đã từng hiện diện trên từng mảnh đất. Từ đó, trải qua quá trình lịch sử đấu tranh sinh tồn với môi trường sống của con người với thiên nhiên và của con người với con người, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và trên vùng đất Khánh Hoà nói riêng, đã hội tụ nên biết bao giá trị lịch sử và văn hoá từ thời khai thiên lập địa Tiền – Sơ sử, cách đây trên 2.500 năm trở về trước với cuộc sống khi còn mông muội cho đến sự phồn vinh, trù phú  như ngày hôm nay.

Chính vì lẽ đó, ta không quên tiến trình lịch sử của cư dân bản địa và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên vùng đất Khánh Hoà này qua những mốc thời kỳ lịch sử tiêu biểu, thể hiện như sau:

1.- Thời kỳ Tiền – Sơ sử (cách đây trên 2.500 năm trở về trước).

2.- Thời kỳ Chămpa (từ đầu Công nguyên đến năm 1653).

3.- Thời kỳ Phong kiến: Thời kỳ các Chúa Nguyễn (1653 – 1775); thời kỳ Nhà Tây Sơn (1775 – 1795) và thời kỳ Triều Nguyễn (1802 – 1885).

4.- Thời kỳ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1885 – 1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1960 – 1975).

Thông qua những mốc thời gian lịch sử này, đã cho thấy trên vùng đất Khánh Hoà  đã để lại nhiều di sản lịch sử và văn hoá vô cùng quý giá. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử và văn hoá phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, cần nên có những giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị đối với những di sản tiêu biểu qua những giai đoạn lịch sử nêu trên; cụ thể như sau:

II. Bảo tồn và phát huy giá trị những di sản lịch sử và văn hoá tiêu biểu trên vùng đất Khánh Hoà:

1.- Những di sản di tích tiêu biểu thời kỳ Tiền – Sơ sử:

1.1.- Giai đoạn Tiền sử: Ở Khánh Hoà, từ sau những thông tin trước năm 1975 về một số phát hiện của những nhà nghiên cứu khảo cổ người Pháp vào đầu thế kỷ XX cho đến những cuộc khảo cổ của những nhà khảo cổ học Việt Nam, đến nay đã phát hiện được 6 di chỉ khảo cổ học tiêu biểu thuộc Văn hoá Xóm Cồn vào thời đại Sơ kỳ kim khí, hay còn gọi là Văn hoá tiền Sa Huỳnh, những di chỉ như: Xóm Cồn, Bình Hưng và Bình Ba thuộc thành phố Cam Ranh (trong đó, di chỉ Xóm Cồn phát hiện đầu tiên, thuộc phường Cam Linh) và các di chỉ: Bích Đầm, Bãi Trũ và Đầm Già (trên đảo Hòn Tre, Nha Trang), có niên đại khoảng trên dưới từ 3.000 – 4.000 năm. Tại những di chỉ này đã phát hiện được nhiều hiện vật công cụ làm nông bằng đá mài, như: Chiếc mai (cuốc) dùng để đào xới đất, rìu đá, bàn mài, bôn, công cụ chặt và công cụ nạo bằng vỏ ốc, hòn kê, chày và hòn ghè bằng đá cuội, mũi khoan, mũi dùi xương, mũi lao ngạnh, hòn ghè bằng vỏ sò, công cụ vảy ốc, mảnh vòng đá, khuyên tai, lõi vòng trang sức từ ốc tai tượng, mảnh gốm (đặc biệt, trên gốm có vẽ màu, bôi màu lên hoa văn trang trí), khuôn đúc mũi giáo đồng…

Từ những địa điểm di chỉ khảo cổ học nêu trên, ta thấy cư dân cổ ở Khánh Hoà cư trú chủ yếu ở những cồn cát trên các đảo gắn liền với núi rừng bên vũng vịnh, biển đảo; Vì đó là chổ dựa cuộc sống sinh tồn của cư dân cổ gắn liền với môi trường thiên nhiên để bảo tồn và phát triển sự sinh sống của mình…

1.2.- Giai đoạn Sơ sử: Là giai đoạn Văn hoá Sa Huỳnh ở Khánh Hoà, tiêu biểu có những di chi khảo cổ như sau:

a/ Di chỉ Hoà Diêm: Thuộc xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh.  Vào năm 1999 và 2002, các nhà khảo cổ đã phát hiện di chỉ Hoà Diêm có niên đại khoảng từ 1 – 2 thế kỷ trước Công nguyên đến thế kỷ II – III sau Công nguyên. Đây là một di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng, chủ yếu là mộ chum gốm có chứa hài cốt của người cổ. Từ rất nhiều hiện vật về công cụ lao động sản xuất, trang sức và đời sống… làm bằng đá, vỏ các loài nhuyễn thể, cho đến đồ đồng, đồ sắt…; các nhà khảo cổ đã xác định, đây là di tích đặc biệt tiếp nối văn hoá từ văn hoá Xóm Cồn và văn hoá Chăm cổ, xuất hiện khá sớm ở Miền Trung Việt Nam.

b/ Di chỉ Mộ chum Diên Sơn: Thuộc xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh. Vào năm 1988 và 1994, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 2 mộ chum đất có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm. Căn cứ vào những đặc trưng cơ bản về kiểu dáng, chất liệu và kiểu thức táng tục và hiện vật… đã cho ta biết được về sự hiện diện sinh tồn của các nhóm cư dân thuộc Văn hoá Sa Huỳnh, tiền thân của dân tộc Chămpa về sau ở Miền Trung Việt Nam.

c/ Di chỉ Vĩnh Yên: Thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Năm 2006, nơi đây đã phát hiện dấu tích nơi sinh sống của xã hội người cổ bản địa cách đây từ 2000 – 2500 năm vào thời kỳ hậu kỳ đá mới, sơ kỳ đồng thau. Sau hai lần được khai quật khảo cổ vào năm 2007 và 2009, phát hiện được hàng vạn hiện vật và cả chục tấn vật thể các loại của người cổ vùi trong lòng đất; Cho ta thấy được đời sống, sinh hoạt của người cổ thời kỳ Tiền – Sơ sử thuộc văn hoá Xóm Cồn, gồm có:

d/ Di tích mộ táng: Gồm mộ nồi vò, mộ huyệt đất, mộ chôn ngồi co bó gối, mộ chôn nằm thẳng…; Táng thức của cư dân Vĩnh Yên cổ và những kết quả về nghiên cứu di cốt người cổ…

e/ Các cụm phế tích sinh hoạt của người cổ: Gồm các dải gốm, cụm gốm đá, cụm đá, các cụm vỏ nhuyễn thể và xương răng động vật…

g/ Những di vật, cổ vật: Đồ đồng, đồ sắt, thuỷ tinh, đồ đá, gồm các nhóm:

– Nhóm những công cụ lao động: Rìu, bôn, đục, cưa, mảnh khuôn gốm đúc đồng, mảnh bàn đập vỏ cây,bàn mài, công cụ nguội nguyên.

– Nhóm đồ trang sức: Mảnh vòng, khuyên tai, hạt chuỗi, Linga thạch anh.

– Nhóm phác vật – phế vật: Phác vật công cụ, mảnh tước, thạch anh, đá nguyên liệu…

– Nhóm đồ xương và nhuyễn thể.

– Nhóm đồ gốm, gồm có: Gốm gia dụng, gốm mộ, muôi gốm, vòng gốm, khuôn đúc, thỏi gốm, mảnh gốm ghè tròn, mảnh tượng người và động vật.

– Nhóm gốm mảnh giai đoạn tiền sơ sử và giai đoạn lịch sử sớm…

Qua đó, các nhà khoa học khảo cổ đã nhận diện và xác định được tính chất cư trú – mộ táng là đặc điểm nổi bật, đặc trưng của văn hoá di chỉ Vĩnh Yên (cùng với các di chỉ Bình Ba và Hoà Diêm ở thành phố Cam Ranh). Đồng thời, qua đó xác định niên đại của di chỉ, phương thức sống của cư dân cổ cả về kinh tế vật chất lẫn tinh thần… Các nhà khảo cổ học đã xác định phương thức kinh tế khai thác phổ tạp là phương thức sống của cư dân cổ Vĩnh Yên nơi đây. Các dấu tích còn lại trong tầng văn hoá nơi đây đã cho thấy cuộc sống vật chất của các cư dân cổ Khánh Hoà là những cư dân thạo trồng trọt, biết đúc đồng, chế tác đồ đá, đồ mộc, đồ gốm và đặc biệt là thạo các phương cách thu lượm, đánh bắt, khai thác các nguồn lợi hải sản biển và ven biển dồi dào ở khu vực này. [1]

 

Thôn Vĩnh Yên và quan cảnh khảo cổ năm 2009        Ảnh: N.V. Thích

 

Phát lộ mộ chum và di cốt người cổ tiền sơ sử       Ảnh: N.V. Thích

            Hình ảnh khảo cổ và một số di vật tiêu biểu tại di chỉ Vĩnh Yên,

             chụp lại ảnh trưng bày tại Bảo Tàng Khánh Hoà.      N.V. Thích

h/ Di chỉ Dốc Gạo, Khánh Sơn: Vào năm 1979, phát hiện bộ đàn đá là nhạc cụ của người cổ cùng với hàng trăm hiện vật chế tác tại nơi cư trú cổ của người Raglai ở Dốc Gạo, thung lũng Tô Hạp, huyện Khánh Sơn có niên đại khoảng trên 3.000 năm. Di chỉ này được ví như cái nôi phong phú bậc nhất, một công xưởng chế tác đàn đá thời kỳ Sơ sử ở Việt Nam.

i/ Di chỉ Trống đồng, Nha Trang: Năm 1983 và năm 2000, phát hiện hai chiếc trống đồng Đông Sơn cùng một số hiện vật khác tại phường Phước Hải, Nha Trang, có niên đại khoảng 2.000 năm. Các nhà khảo cổ học đã xác định trống đồng này thuộc nền Văn hoá Đông Sơn và có thể được chuyển từ Bắc Bộ hoặc Bắc Trung Bộ vào Nha Trang theo sự lan toả, tán phát của trống đồng đến những khu vực Nam Bộ, Tây nguyên và cả ở một số nước khu vực Đông Nam Á…

k/ Di chỉ khuôn đúc rìu đồng, Ninh Hoà: Năm 1988, phát hiện công cụ khuôn đúc rìu đồng bằng đá, tại rẫy Hòn Tre, Ninh Thượng, Ninh Hoà. Cùng với việc phát hiện trống đồng Nha Trang, có thể cho ta thấy sự giao lưu văn hoá giữa các nhóm cư dân Sa Huỳnh ở Khánh Hoà và các nền văn hoá cận kề trong khu vực phía Bắc và phía Nam và cho thấy trình độ phát triển kỹ thuật đúc đồng của cư dân cổ ở vùng đất Khánh Hoà thời bấy giờ.

III.- Một số ý kiến đề xuất về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Tiền – Sơ sử ở Khánh Hoà:

1/ Từ những giá trị di sản văn hoá di chỉ Tiền – Sơ sử nêu trên, cho ta biết được sự hiện diện của cư dân cổ bản địa đã từng sinh sống và có một nền văn hoá giàu bản sắc trên vùng đất Khánh Hoà cách đây từ 2000 đến trên 4000 năm về trước. Đây là những di chỉ khảo cổ học quý giá, có giá trị to lớn về lịch sử những cái nôi về sự sinh sống của xã hội loài người trên địa cầu nói chung và trên đất nước Việt Nam ta cũng như vùng đất Khánh hoà nói riêng. Do vậy, cần phải bảo tồn và phát huy giá trị để thế hệ sau tiếp bước cha ông nghiên cứu khoa học về lịch sử và văn hoá; đồng thời, cần phải quảng bá, phục vụ công chúng hiểu biết về những giá trị này mà thể hiện ứng xử có tâm với môi trường sống và tri ân cư dân cổ đã từng tạo dựng cuộc sống khởi thuỷ tại vùng đất này; và cũng để chúng ta là những thế hệ kế tục tạo dựng cơ đồ bền vững từ cách đây 370 năm như ngày hôm nay. Đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

2/ Hầu hết những di chỉ khảo cổ học tiêu biểu nêu trên khi phát hiện, các tổ chức khảo cổ học khai quật, khai thác hiện vật đưa về bảo quản, gìn giữ tại các bảo tàng địa phương và trung ương để bảo vệ và phục vụ nghiên cứu, tham quan học tập… Trong số đó, có Di chỉ Dốc Gạo, Khánh Sơn đã được xây dựng bia di tích để thông tin, tôn vinh giá trị di sản. Còn lại, hầu hết những di chỉ đều chưa được quan tâm dựng bia di tích. Riêng việc khai thác đá tại di chỉ Dốc Gạo để sản xuất, chế tác đàn đá phục vụ hoạt động văn hoá văn nghệ cho công chúng và quảng bá di sản Đàn đá Khánh Sơn lan toả là được phát huy có hiệu quả. Song, việc quản lý khai thác tài nguyên đá kêu đặc biệt ở nơi đây cũng là một vấn đề hết sức cần phải quan tâm quản lý để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đúng mực, tránh khai thác tuỳ tiện để giảm nguy cơ huỷ hoại nguồn tài nguyên quý giá này của thiên nhiên.

3/ Cũng từ những giá trị đặc biệt của những di chỉ khảo cổ di nêu trên, thiết nghĩ: Chúng ta cần nên qui hoạch dành riêng một diện tích đất nhất định để tạo không gian thông tin giá trị di sản văn hoá ngay tại trung tâm khu vực khai quật những di chỉ khảo cổ. Tại những nơi đây, có thể  xây dựng bia di tích “Di chỉ khảo cổ học…”; nếu có điều kiện nên xây dựng phòng trưng bày hoặc xây dựng bản thông tin trên đá granit, giới thiệu những giá trị đặc biệt của di chỉ đến với công chúng; trưng bày những hình ảnh tư liệu, hiện vật khảo cổ cần thiết phục chế để phục vụ quảng bá và cảnh quan… có liên quan.

4/ Đặc biệt, những địa điểm di chỉ khảo cổ học hầu hết đều gắn liền với cảnh quan thiên nhiên núi rừng, biển đảo, làng chài… rất đẹp. Do vậy, ngoài việc kết hợp bảo tồn phát huy giá trị để nghiên cứu, giáo dục, học tập thì cũng cần nên kết hợp phát huy giá trị phục vụ tham quan du lịch là việc làm đáng cần phát huy.

Đặc biệt, cần quan tâm đến những di chỉ tiêu biểu, như: Xóm Cồn và Hoà Diêm (Cam Ranh), Hòn Tre (Nha Trang), Vĩnh Yên (Vạn Ninh) là những di chỉ có trữ lượng lớn về di vật cổ và lịch sử đời sống của xã hội người cổ Tiền – Sơ sử. Làm được điều này, cũng là góp phần phát huy giá trị di sản lịch sử và văn hoá của xã hội người cổ từ ngàn xưa, tạo nên những điểm đến du lịch, tham quan nghiên cứu khoa học, học tập… về di chỉ khảo cổ học; tìm hiểu nguồn gốc lịch sử và văn hoá người cổ Tiền – Sơ sử tại những nơi đây; phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế du lịch và giáo dục trên vùng đất Khánh Hoà.

Đồng thời, làm được những điều nêu trên cũng là nghĩa cử của tình nhân loại, thể hiện lòng tri ân người xưa đã khai sinh sự sống của xã hội loài người trên vùng “Đất khánh, người hoà” để ngày nay có tên gọi tỉnh Khánh Hoà thân thương, yêu quý này./.

Tác giả:  NGUYỄN VĂN THÍCH

Người đăng bài viết: LÊ HOÀI NAM

 

[1] Nguyễn Tâm – “Cư dân Tiền sơ sử Khánh Hoà với những phương thức khai thác biển” – “Văn hoá biển đảo Khánh Hoà” – UBND tỉnh Khánh Hoà 02/2012; tr. 114)

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nổi bật
Liên hệ
Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần xung kích, gương mẫu

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần xung kích, gương mẫu

(ĐCSVN) – Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các hội viên Hội Cựu chiến binh …

22-12-2024

Nổi bật
Liên hệ
Ấm áp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Hòa Phú

Ấm áp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Hòa Phú

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024), thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà …

17-11-2024

Nổi bật
Liên hệ
Nhiều hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Trường Sa

Nhiều hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Trường Sa

(ĐCSVN) – Hướng tới chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, Hội Phụ nữ Lữ đoàn và Hội …

21-10-2024

Nổi bật
Liên hệ
Quyền được lựa chọn!

Quyền được lựa chọn!

(ĐCSVN) – Ngày 20/10 không chỉ là một ngày đặc biệt của phụ nữ Việt Nam, mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại và suy ngẫm …